Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Đại diện Thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên Hợp quốc đã chủ trì cuộc tọa đàm cùng với ông Brandt Wagner, Trưởng Bộ phận Hàng hải và Vận tải, Cục Chính sách của ILO.
Tham gia sự kiện này có đại diện hơn 30 Phái đoàn thường trực tại Geneva và các tổ chức quốc tế liên quan. Ông Lê Phan Linh, Chủ tịch Công đoàn Hàng hải Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tham dự.
Trong bài phát biểu khai mạc, Đại sứ Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh thực tế những người lao động trên biển nằm trong số các nhóm người dễ bị tổn thương nhất bởi sự gia tăng của thiên tai, cướp biển và nhiều rủi ro gia tăng khác trong bối cảnh tình hình khu vực hiện nay. Bên cạnh đó, việc đảm bảo quyền của người lao động trên biển, đặc biệt là tại các nước đang phát triển cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều thuyền viên và ngư dân phải sinh sống và làm việc trong điều kiện tồi tệ, không được đảm bảo tiếp cận y tế và trả lương đầy đủ. Trong bối cảnh đó, các nội dung của Công ước Lao động Hàng hải (MLC 2006) lại chỉ áp dụng đối với các thuyền viên làm việc trên tàu trên 500 tấn trọng tải mà không áp dụng tới việc bảo vệ quyền lợi của ngư dân. Trên thực tế, chưa có một Công ước quốc tế cụ thể về việc đảm bảo quyền lợi của ngư dân.
Tàu cá của ngư dân Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Ông Lê Phan Linh, Chủ tịch Công đoàn Hàng hải Việt Nam trình bày về chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền lợi của người lao động trên biển theo khuôn khổ Công ước MLC 2006 và các cam kết quốc tế khác mà Việt Nam đã tham gia; đồng thời nêu ra những bất cập và thách thức trong cơ chế hiện nay, đặc biệt là: khó khăn về tài chính; Việt Nam chưa phải là thành viên của Liên đoàn Vận tải Hàng hải Quốc tế (ITF); cơ chế bảo vệ ngư dân chưa thực sự hiểu quả nhất là trong trường hợp cướp biển, bắt cóc con tin, tranh chấp tài phán…
Trong phần trình bày của mình, ông Brandt Wagner (Trưởng Bộ phân Hàng hải và Vận tải, Cục Chính sách của ILO) giới thiệu khái quát về hệ thống pháp lý hiện nay trong việc đảm bảo quyền của người lao động trên biển, đặc biệt là MLC 2006, Công ước Đánh bắt cá của ILO về đảm bảo quyền lợi và sự an toàn của ngư dân và Nghị định thư năm 2014 của Công ước Lao động Cưỡng bức 1930 của ILO trong đó có giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức như buôn lậu trong ngành đánh bắt cá. Trong bối cảnh Công ước Đánh bắt cá hiện nay chưa đi vào hiệu lực (mới chỉ có 8 nước phê chuẩn), ông Wagner kêu gọi các nước nghiên cứu, tiến tới phê chuẩn Công ước này để thiết lập một cơ chế bảo đảm quyền lợi của ngư dân một cách hiệu quả.
Các đại biểu tham dự tọa đàm đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và ILO trong việc tổ chức tọa đàm với chủ đề thiết thực này, nhất là trong bối cảnh quyền của người lao động trên biển tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung đang đối mặt với nhiều thách thức. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc gia trong vấn đề này.
Kết thúc tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Trung Thành đã nêu ra một số khuyến nghị: (i) đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn; (ii) cộng đồng quốc tế tích cực nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện một cơ chế quốc tế khả thi để đảm bảo quyền lợi của ngư dân; (iii) trong bối cảnh tranh chấp, chồng lấn chủ quyền, các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế, các quy tắc ứng xử; (iv) kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế có liên quan cũng như các quốc gia, đặc biệt là về nguồn lực và chuyên môn.