📞

Việt Nam tự tin dễ dàng đánh bại 'làn sóng thứ hai' Covid-19

Quang Đào 07:30 | 09/06/2020
TGVN. Mới đây, trong bài phỏng vấn với hãng thông tấn Anadolu, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Trần Quang Tuyến nói rằng, Việt Nam tự tin có thể tiếp tục đánh bại 'làn sóng thứ hai' của dịch Covid-19 nếu đại dịch không may trở lại.
Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Trần Quang Tuyến trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Anadolu về thành công phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. (Nguồn: Anadolu)

Theo Anadolu, khi hệ thống y tế của hầu hết các quốc gia hùng mạnh trên thế giới đều thất bại trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 thì Việt Nam, một quốc gia nhỏ nằm ở Đông Nam Á lại có thể xuất sắc chống lại đại dịch, "gây chấn động” cả thế giới.

Quốc gia này được coi là đã viết lên một câu chuyện thành công trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Chia sẻ đường biên giới dài 1.450 km với Trung Quốc, nơi khởi nguồn của đại dịch, Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/1. Tuy nhiên, đất nước với dân số 95 triệu người cho đến nay mới chỉ ghi nhận 331 ca nhiễm, không có ca tử vong và 316 người đã được chữa khỏi.

"Nhận thức sớm về đại dịch, các biện pháp phù hợp, quyết liệt và lấy người dân làm trung tâm, cũng như hỗ trợ cộng đồng là những yếu tố chính đằng sau thành công của Việt Nam”, Đại sứ Trần Quang Tuyến chia sẻ.

Ngoài ra, Việt Nam đã áp dụng những biện pháp phòng dịch nhanh chóng. Khi số lượng các ca nhiễm Covid-19 gia tăng nhanh chóng ở Trung Quốc cuối tháng 1, Việt Nam đã cấm du khách Trung Quốc nhập cảnh từ ngày 28/1. Vì vậy, dù chia sẻ đường biên giới dài với Trung Quốc, Việt Nam không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tâm dịch đầu tiên của thế giới.

Đại sứ Trần Quang Tuyến cho biết, Việt Nam đã “nhanh chóng cấm nhập cảnh đối với người mang quốc tịch nước ngoài, thực hiện các quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt và hạn chế hoạt động kinh tế”.

Việt Nam cũng đã “huy động thành công sức mạnh và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong việc ưu tiên phòng chống đại dịch, ngăn ngừa rủi ro từ bên ngoài, khoanh vùng, điều trị bệnh hiệu quả, cũng như hy sinh lợi ích kinh tế tức thời để bảo vệ sức khỏe và mạng sống của người dân”.

“Bên cạnh một số chính sách cơ bản như theo dõi dịch tễ chặt chẽ, tăng cường sản xuất vật tư y tế và huy động các trạm kiểm tra y tế tại các sân bay, Việt Nam đã đạt được thành công trong việc chống dịch bởi cách làm việc chủ động và chủ động phòng ngừa”.

Theo đó, Chính phủ đã “chủ động, không chủ quan” trong các biện pháp chống dịch với chủ trương “chống dịch như chống giặc”.

Đại sứ Trần Quang Tuyến nhận định, chương trình kiểm soát đại dịch Covid-19 của Việt Nam đã được tổ chức tốt dựa trên 4 giải pháp tương đối hiệu quả, bao gồm xét nghiệm chiến lược nhanh chóng, truy tìm dịch tễ tích cực, các chiến dịch truyền thông công cộng hiệu quả và phát triển nhanh chóng các kit xét nghiệm.

Việt Nam là 'hình mẫu' chống dịch Covid-19.

Kit xét nghiệm chuẩn xác

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã tự phát triển bộ kit xét nghiệm Covid-19 ngay từ tháng 1 và nỗ lực cải thiện để cung cấp kết quả chính xác lên đến 90% và chỉ mất 1 giờ. Bộ kit LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR đã được cơ quan thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chứng nhận.

Cho kết quả nhanh hơn và dễ sử dụng hơn so với những bộ kit của CDC Mỹ và WHO sử dụng, bộ kit của Việt Nam còn có "các lợi thế khác như tính đặc hiệu, độ ổn định và khả năng thích ứng với nhiều loại thiết bị thử nghiệm”, Đại sứ Trần Quang Tuyến cho biết.

Bộ kit xét nghiệm này do Học viện Quân y và Công ty Việt Á nghiên cứu và sản xuất, sau đó được một đối tác phân phối độc quyền đặt hàng và phân phối ở Anh, Mỹ, Ấn Độ, Mexico và một số quốc gia ở châu Âu. Ngoài ra, khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng đang đặt mua bộ kit này của Việt Nam. Iran, Phần Lan, Malaysia và Ukraine là các quốc gia đầu tiên nhận được sản phẩm từ Công ty Việt Á.

Ngoài ra, Việt Nam có thêm bộ kit thử nhanh Covid-19 được cấp chứng chỉ lưu hành tại châu Âu. Bộ sinh phẩm sử dụng công nghệ khuếch đại đẳng nhiệt, cho phép phát hiện nhanh virus SARS-CoV-2 trực tiếp bằng mắt thường dựa vào sự đổi màu của chất chỉ thị, không cần trang thiết bị phức tạp. Thời gian xử lý mẫu chỉ cần 30 phút. Qua thử nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, bộ kit cho độ nhạy đạt 100%, độ đặc hiệu đạt 99,6%.

Chuẩn bị cho làn sóng thứ hai

Để sẵn sàng cho làn sóng dịch Covid-19 thứ hai có thể ập đến, Chính phủ Việt Nam vẫn yêu cầu công chúng thực hiện nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội. Các bộ, ban, ngành, địa phương cần phải tập trung, làm việc trong quyền hạn của mình để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến phòng ngừa và kiểm soát Covid-19 theo luật hiện hành.

Cụ thể, các hành vi liên quan đến việc không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, phản ứng chống lại lực lượng chức năng, lan truyền thông tin không trung thức gây lo ngại cho công chúng và mất ổn định xã hội, tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng, sản xuất hàng giả, tích trữ hàng hoá để tăng giá… sẽ bị xử lý nghiêm.

Ngoài ra, Chính phủ quan tâm hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, trẻ em và bệnh nhân bị mắc kẹt trở về nước an toàn.

Sau gần 2 tháng không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, các cơ quan y tế đã và đang điều chỉnh kế hoạch xét nghiệm để kiểm soát tốt hơn những chuyến bay đưa người Việt trở về nước, đồng thời tăng trách nhiệm của các địa phương. Bất kỳ ai có triệu chứng hoặc dấu hiệu nhỏ nhất liên quan đến dịch Covid-19 sẽ được đưa đi xét nghiệm kịp thời.

“Với kinh nghiệm thành công bước đầu và các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, hướng dẫn rõ ràng, chúng tôi tự tin có thể đánh bại được làn sóng nhiễm bệnh thứ hai nếu có”, Đại sứ cho biết.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp Đại sứ Trần Quang Tuyến.

Kế hoạch phục hồi kinh tế

Hãng Anadolu viết, mặc dù chịu đựng thiệt hại về kinh tế như hậu quả của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 262 tỷ USD đã quyết tâm "duy trì sự ổn định kinh tế và tỷ lệ lạm phát thấp để giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân".

Đại sứ Trần Quang Tuyến nhận định, Việt Nam vẫn còn hy vọng đạt được mức tăng trưởng GDP từ 4,5-5% trong năm 2020. Lý do là Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và kinh doanh, như tái cơ cấu các khoản vay ngân hàng, đóng băng nợ và giảm hoặc miễn các khoản thanh toán lãi vay. Việt Nam cũng đang triển khai các gói hỗ trợ người lao động bị mất việc do đại dịch lên tới 62 nghìn tỷ đồng (2,7 tỷ USD).

Đồng thời, Chính phủ phát triển các dịch vụ mới, đặc biệt là sử dụng công nghệ thông tin để phát triển chính phủ số và nền kinh tế số.

Đẩy mạnh vai trò Chủ tịch ASEAN

Với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã chủ động và nhanh chóng phối hợp phòng dịch với các quốc gia thành viên của khối, nhất là việc đưa ra được Tuyên bố chung về ứng phó dịch bệnh Covid-19 ngày 14/4.

“Chúng tôi cũng đã phối hợp với các đối tác của ASEAN để kiềm chế sự lây lan của đại dịch và giảm thiểu các tác động lên kinh tế xã hội", Đại sứ nói.

Những nỗ lực của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN đã tạo ra những kết quả ban đầu đáng khích lệ trong phòng chống dịch bệnh.

"Cùng với bạn bè và đối tác của chúng tôi trong và ngoài ASEAN, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các biện pháp phòng dịch tốt nhất và kinh nghiệm quý báu cho khu vực và cộng đồng quốc tế, hướng tới việc đánh bại đại dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất", Đại sứ nhấn mạnh.

(theo Anadolu)