📞

Việt Nam ứng cử vào HĐBA LHQ thể hiện mức cao nhất chính sách đối ngoại đa phương hóa

19:25 | 30/03/2018
Ngày 30/3, tại khách sạn Sheraton, Hà Nội, Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Việt Nam và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Ứng cử và tham gia nhiệm kỳ 2020 - 2021”.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá những thuận lợi và thách thức đối với Việt Nam trong giai đoạn vận động ứng cử và trở thành thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), từ đó có những khuyến nghị phù hợp giúp Việt Nam chuẩn bị tốt nhất cho tiến trình quan trọng này.

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu)

Hội thảo có sự tham gia của ông Olof Skoog - Đại sứ Thụy Điển tại HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2017-2018, các đại biểu đến từ Ban Thư ký LHQ, Tổ chức Báo cáo Hội đồng bảo an (Security Council Report), Australia, Indonesia, và các cán bộ đã từng tham gia hỗ trợ Việt Nam hoạt động thành công tại HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Ngoài ra, Hội thảo cũng có sự tham dự của khoảng 100 đại biểu gồm đại diện Đại sứ quán các nước và tổ chức quốc tế tại Hà Nội, các cơ quan của Bộ Ngoại giao và các Bộ/ngành liên quan, và các học giả nghiên cứu về LHQ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý cho rằng việc trúng cử và tham gia HĐBA là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm to lớn của các ủy viên không thường trực. Nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm đó, Việt Nam đã ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Việc tiếp tục ứng cử lần thứ hai vào cơ quan quan trọng này sau nhiệm kỳ thành công năm 2008-2009 thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình vì độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển của mình. Đây là sự thể hiện ở mức cao nhất chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, và sự tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế.

Thứ trưởng Đặng Đình Quý phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu)

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã có những trao đổi cởi mở, thẳng thắn về tình hình của HĐBA LHQ, đánh giá những thuận lợi và thách thức đối với một ủy viên không thường trực, chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong việc tận dụng thuận lợi và đối phó các thách thức tại HĐBA LHQ.

Hội thảo đã thu nhận được nhiều ý kiến xây dựng và thực chất giúp Việt Nam có những chuẩn bị cần thiết trong quá trình vận động ứng cử và tham gia của Việt Nam tại HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.