Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. (Nguồn: TTXVN) |
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự và đã có nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương với các đối tác APEC nhằm thảo luận và giải quyết các nội dung hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và công nghiệp, cũng như tham gia và đàm phán các hiệp định Thương mại Tự do (FTA) của Việt Nam.
Trước đó, Hội nghị Bộ trưởng các thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) cũng đã diễn ra trong ngày 19/4.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn có những dấu hiệu bất ổn, APEC càng nổi lên là một đầu tàu kinh tế, một động lực quan trong cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và củng cố vai trò quan trọng của mình trong thương mại thế giới và tiến trình tự do hóa thương mại toàn cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới. Đây chính là động lực cho APEC tiếp tục tập trung vào hợp tác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với chủ đề "Khả năng phục hồi của châu Á-Thái Bình Dương: Động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới,” nước chủ nhà Indonesia đã dành ba ưu tiên hàng đầu và cũng là ba mục tiêu hợp tác cụ thể trong chương trình hành động của mình trên cương vị Chủ tịch APEC 2013, bao gồm hướng tới hoàn thành các “Mục tiêu Bogor;” duy trì tăng trưởng bền vững và công bằng; thúc đẩy kết nối khu vực.
Theo đó Hội nghị Bộ trưởng APEC đã tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm là hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy vòng đàm phán Doha và các ưu tiên của APEC trong năm 2013, theo đó Hội nghị đã ra tuyên bố riêng về “Ủng hộ Hệ thống thương mại đa phương thông qua Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9, sẽ diễn ra vào tháng 12 năm nay tại Bali, Indonesia.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, sự ủng hộ của Việt Nam đối với WTO và quyết tâm sớm hoàn thành vòng đàm phán Doha; nêu bật sự cần thiết đạt được các “Mục tiêu Bogor” đúng thời hạn vào năm 2020 của tất cả các nền kinh tế thành viên thông qua các sáng kiến cụ thể và thiết thực song hành với việc giải quyết các rào cản thương mại và đầu tư; nhấn mạnh ưu tiên của Việt Nam đối với các nội dung hợp tác của APEC về kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng…
Trong khuôn khổ hợp tác kinh tế-thương mại, đoàn Việt Nam cũng đã đưa ra một số sáng kiến như tạo thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ; chia sẻ kinh nghiệm về cung cấp vốn để phát triển ngành năng lượng tái tạo, được nhiều thành viên APEC ủng hộ.
Đây là nỗ lực của Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư trong khu vực, đồng thời giúp khai thác Chương trình hỗ trợ năng lực cho các thành viên APEC đang phát triển trong quá trình tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong các nền kinh tế chủ trì triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực của APEC trong đàm phán các FTA.
Bên lề Hội nghị, đoàn Việt Nam đã tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng các nền kinh tế đàm phán TPP. Tại cuộc họp này, các bên tham gia đã thống nhất lộ trình đám phán trong thời gian tới, trong đó có một số cuộc ở cấp bộ trưởng, và thống nhất ủng hộ Nhật Bản tham gia đàm phán TPP, nâng tổng só thành viên lên 12 nước, chiếm khoảng 40% GDP toàn thế giới.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã tiến hành nhiều cuộc gặp tiếp xúc song phương với nhiều bộ trưởng và trưởng đoàn tham gia Hội nghị Bộ trưởng APEC như Nga, Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, New Zealand và Hong Kong (Trung Quốc) nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương và giải quyết các vấn đề kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam và các đối tác, cũng như thúc đẩy tiến độ đàm phán và thực thi các FTA song phương và nhiều bên của Việt Nam với các đối tác này trong thời gian tới./.