Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại cuộc gặp. |
Ngày 10/6, nhân dịp tham dự Kỳ họp lần thứ 10 Đại hội đồng Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, đã tổ chức buổi gặp gỡ với Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, Chủ tịch Hội đồng chấp hành UNESCO, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới lần thứ 46, Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 lần thứ 19 và Đại sứ, Trưởng đoàn gần 20 nước, trong đó 15 thành viên Ủy ban Di sản thế giới, một số thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 và bạn bè thân thiết với Việt Nam.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước, cảm kích vì tình cảm và sự ủng hộ quý báu mà các bạn bè quốc tế đã dành cho Việt Nam trong quá trình đấu tranh dành độc lập dân tộc trước kia, cũng như xây dựng, phát triển đất nước hiện nay.
Thứ trưởng cũng cảm ơn lãnh đạo UNESCO và các nước đã tin cậy, ủng hộ Việt Nam đảm nhận vai trò tại các cơ chế điều hành then chốt nhất của UNESCO; khẳng định coi trọng hợp tác với UNESCO, cam kết nỗ lực thúc đẩy triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ chức, đóng góp cho nỗ lực chung duy trì hoà bình, thúc đẩy phát triển bền vững thế giới.
Từ phải qua trái: Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 Nancy Ovelar, Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO Simona Mirela Miculescu; Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc; Chủ tịch Hội đồng chấp hành UNESCO Vera El Khoury Lacoeuilhe và Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Thị Hồng Vân. |
Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc cũng khẳng định tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm túc và cầu thị của Việt Nam trong việc thúc đẩy thực thi các Công ước UNESCO về văn hoá như Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, Công ước 1972 về Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá.
Thứ trưởng cũng đề nghị các nước và UNESCO tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, khoa học thông qua chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chính sách về phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị văn hoá, di sản vì phát triển bền vững; chia sẻ các quan tâm và các hồ sơ ưu tiên của Việt Nam như Bảo tồn di sản Hoàng Thành Thăng Long, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc; Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Nghệ thuật làm Tranh dân gian Đông Hồ, Mo Mường, Công viên địa chất Lạng Sơn… và đề nghị của nước thành viên chủ chốt quan tâm, ủng hộ.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Chủ tịch Đại hội đồng Simona Miculescu vui mừng được gặp lại Thứ trưởng, nhắc những ấn tượng sâu sắc không thể nào quên trong chuyến thăm Việt Nam tháng 4/2024 vừa qua, bày tỏ cảm ơn chân thành đến Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các địa phương đã đón tiếp rất nồng hậu, khẳng định Việt Nam là đối tác chiến lược, tin cậy, trách nhiệm của UNESCO, điển hình thành công trong kết nối giữa phát triển kinh tế và văn hoá.
Chủ tịch Hội đồng chấp hành Vera El Khoury khẳng định Việt Nam là một trong những nước triển khai hiệu quả các hoạt động của UNESCO, đánh giá cao đóng góp tích cực, xây dựng và hiệu quả của Việt Nam trong đề xuất, định hình các định hướng hợp tác của UNESCO phù hợp quan tâm chung.
Đại sứ Ấn Độ, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, cam kết hỗ trợ tối đa với tư cách Chủ tịch; nhất trí cùng chia sẻ, hợp tác trong hoạt động tại các cơ chế mà Việt Nam và Ấn Độ đều là thành viên như Hội đồng chấp hành, Ủy ban Di sản thế giới, Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003.
Đại sứ Paraquay, Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 đề cao vai trò tích cực, những kinh nghiệm hay, điển hình tốt của Việt Nam thúc đẩy hợp tác trong bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể cả trên phương diện lý luận, luật pháp và thực tiễn, mong Việt Nam phối hợp chặt chẽ với tư cách Phó Chủ tịch để Kỳ họp lần thứ 19 diễn ra tại Paraguay thành công.
Đoàn Việt Nam tại cuộc gặp. |
Các nước đều đánh giá cao những đóng góp quan trọng, hiệu quả của Việt Nam trong công việc chung của Tổ chức với tư cách thành viên của 5 cơ chế điều hành then chốt.
Các lãnh đạo UNESO và các nước cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại hoạt động trong khuôn khổ UNESCO, hỗ trợ Việt Nam trong thúc đẩy ghi danh các hồ sơ đề cử như: Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc; Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê; Hang Con Moong; Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam; Nghệ thuật Tranh dân gian Đông Hồ; Nghệ thuật Chèo; Mo Mường; Công viên địa chất Lạng Sơn; và đặc biệt mong Dự án bảo tồn và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội sớm được thông qua vào thời gian tới.
Đại sứ, Trưởng đoàn gần 20 nước bao gồm: Ấn Độ, Paraquay, Bỉ, Bulgaria, Trung Quốc, Cuba, Romania, Italy, Nhật Bản, Kazakhstan, Kenya, Qatar, Hàn Quốc, Senegal, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Lào, Lebanon, Indonesia, Hy Lạp, Saint Lucia, Saint-Vincent & Grenadines. |