📞

Việt Nam và Hội đồng Bảo an: Tiếp tục góp tiếng nói có trách nhiệm với các vấn đề thuộc quan tâm chung

Thu Trang 13:55 | 22/04/2021
Trong Quý I/2021, Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực, trách nhiệm, cân bằng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và được nhiều nước ủng hộ, đánh giá cao.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở về An ninh khí hậu hồi tháng 2. (Nguồn: TTXVN)

Từ đầu năm 2021, tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, cho dù việc triển khai vaccine đang mở ra triển vọng mới trong phòng chống dịch bệnh và phục hồi sau khủng hoảng.

Trong bối cảnh đó, trên cương vị Ủy viên Không Thường trực (UVKTT) HĐBA LHQ, Việt Nam tiếp tục tham gia HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ lập trường tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, đồng thời đề cao các nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực.

Tìm kiếm giải pháp cho các điểm nóng

Về vấn đề Myanmar, với phương châm ứng xử phù hợp khi là nước ASEAN duy nhất tại HĐBA, Việt Nam bày tỏ quan ngại trước các diễn biến phức tạp gần đây; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, chấm dứt bạo lực, tránh các hành động làm gia tăng căng thẳng, tiến hành đối thoại tìm giải pháp thỏa đáng, bảo đảm an toàn cho người dân.

Đồng thời, Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi đối với Myanmar trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đề cao nỗ lực của ASEAN hỗ trợ Myanmar thời gian qua, đồng thời khuyến khích Đặc phái viên đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về Myanmar phối hợp với ASEAN trong hỗ trợ đối thoại, hòa giải ở Myanmar.

Về vấn đề Triều Tiên, Việt Nam bày tỏ quan ngại trước các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, kêu gọi kiềm chế, sớm trở lại đàm phán, ủng hộ giải quyết hòa bình, phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên; qua đó khẳng định lập trường nguyên tắc về giải trừ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, cam kết thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của HĐBA về Triều Tiên.

Về xung đột Israel-Palestine, Việt Nam tiếp tục khẳng định ủng hộ các sáng kiến và biện pháp nhằm đạt được một giải pháp lâu dài, toàn diện và công bằng; bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai Nhà nước phù hợp với luật pháp quốc tế và các NQ của LHQ.

Về tình hình Yemen, Việt Nam chia sẻ quan ngại về leo thang quân sự, kêu gọi các bên liên quan thực hiện ngừng bắn, tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.

Đối với những bất ổn, xung đột ở các nước, khu vực khác như Haiti, Sahel, Sudan, Somalia và CH Trung Phi, Việt Nam tiếp tục kêu gọi các bên đàm phán, đối thoại, giải quyết khác biệt bằng các biện pháp hòa bình và nhấn mạnh vai trò hỗ trợ quan trọng của LHQ, các tổ chức khu vực và cộng đồng quốc tế.

Dưới sự chủ trì lần lượt của Tunisia, Anh, Mỹ (Chủ tịch HĐBA tháng 01, 02 và 3/2021) và với sự tham gia của 5 nước UVKTT mới là Ấn Độ, Mexico, Na Uy, Ireland và Kenya, HĐBA đã tiến hành tổng cộng 83 cuộc họp chính thức cấp Đại sứ về tình hình liên quan đến tất cả các châu lục và thảo luận nhiều vấn đề chủ đề, tổ chức 8 cuộc họp không chính thức theo thể thức Arria , 1 cuộc đối thoại tương tác không chính thức.

Đóng góp xây dựng các văn kiện của HĐBA

Trong Quý I/2021, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và thương lượng xây dựng các văn kiện của HĐBA, thể hiện quan điểm, tiếng nói có trách nhiệm đối với các vấn đề thuộc quan tâm chung hiện nay.

Như với vấn đề Myanmar, Việt Nam đã chủ động phối hợp với các nước để các văn kiện của HĐBA nêu đậm vai trò, nỗ lực của ASEAN trong hỗ trợ Myanmar giải quyết vấn đề trên cơ sở ngôn ngữ của 02 Tuyên bố Chủ tịch của ASEAN ngày 01/02 và ngày 02/3.

Với Nghị quyết về kêu gọi tiếp cận công bằng vaccine Covid-19 do Anh chủ trì xây dựng, Việt Nam có nhiều đóng góp được phản ánh như nhấn mạnh tác động của đại dịch làm gia tăng bất bình đẳng, khẳng định vaccine Covid-19 là tài sản chung của toàn cầu và cần được phân phối bình đẳng, với giá thành phù hợp, kêu gọi bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu cho việc vận chuyển vaccine và nhấn mạnh đoàn kết quốc tế.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với chủ đề "Bảo đảm sự tiếp cận vaccine Covid-19 một cách công bằng" theo hình thức trực tuyến hồi tháng 2. (Ảnh: Tuấn Anh)

Với các Nghị quyết về tình hình tại Nam Sudan và Sudan, Việt Nam đã bổ sung các nội dung tích cực theo hướng ghi nhận tiến triển trong tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội tại các nước này.

Song song với đó, Việt Nam cũng tranh thủ thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược với Anh thông qua ủng hộ các sáng kiến của Anh trong Tháng Chủ tịch (02/2021), trong đó có việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở về An ninh khí hậu do Thủ tướng Anh chủ trì; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở về Bảo đảm tiếp cận vaccine Covid-19 do Ngoại trưởng Anh chủ trì.

Trong thời gian này, HĐBA đã thông qua 33 văn kiện, trong đó có 9 Nghị quyết, 07 Tuyên bố Chủ tịch, 14 Tuyên bố báo chí, 03 thông tin báo chí. Các cơ quan trực thuộc của HĐBA tiếp tục hoạt động bình thường; các cuộc họp vẫn chủ yếu diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Việc Việt Nam tích cực đóng góp vào tiến trình thảo luận, quyết nghị của HĐBA về các vấn đề chủ đề như ứng phó với Covid-19, tiếp cận vaccine, biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình, an ninh lương thực, chống khủng bố… đã thể hiện đóng góp trách nhiệm của ta trong đề xuất chính sách, giải pháp cùng HĐBA xử lý các vấn đề thuộc quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và có lợi ích sát sườn với Việt Nam.

Qua trao đổi, Anh, Mỹ, Trung Quốc và Myanmar cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến đóng góp ủa Việt Nam về vấn đề Myanmar. Trung Quốc và Ấn Độ tỏ mong muốn phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, ủng hộ mạnh mẽ vai trò của ASEAN.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục duy trì tham vấn với các nước UVKTT mới được bầu để chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác trong quá trình tham gia HĐBA.

Nhiều nước ngoài HĐBA như Nhật Bản, Canada, New Zealand, Hàn Quốc, Australia, Morocco, Israel… tích cực chia sẻ ý kiến với Việt Nam về các vấn đề quan tâm trong chương trình nghị sự của HĐBA.