📞

Việt Nam và Nam Sudan đánh giá cao ý nghĩa của việc thiết lập quan hệ ngoại giao

16:51 | 22/02/2019
Ngày 21/2, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý (LHQ), thay mặt Chính phủ Việt Nam và Đại sứ Akuei Bona Malwal, Trưởng Phái đoàn Nam Sudan tại LHQ, thay mặt Chính phủ Nam Sudan, đã ký Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nam Sudan tại Trụ sở Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam ở New York.

Hai bên nhất trí trao đổi đại diện ngoại giao ở cấp Đại sứ và áp dụng Công ước Vienna năm 1961 về quan hệ ngoại giao trong quan hệ giữa hai nước. Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Nam Sudan, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 54/55 nước tại Châu Phi. Thông cáo chung được gửi tới Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres để lưu hành như văn kiện chính thức của LHQ và thông báo đến các quốc gia thành viên LHQ.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý và Đại sứ Akuei Bona Malwal, Trưởng phái đoàn đại diện Nam Sudan tại Liên hợp quốc ký kết thiết lập quan hệ ngoại giao.

Sau lễ ký, Đại sứ Đặng Đình Quý đã có buổi gặp Đại sứ Akuei Bona Malwal trao đổi việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề song phương và đa phương.

Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Việt Nam và Nam Sudan đã bàn bạc việc thiết lập quan hệ ngoại giao trong suốt một năm qua. Hai nước cũng đã chọn địa điểm ký kết là New York. Hiện nay Việt Nam có bệnh viện dã chiến cấp 2 ở Nam Sudan và theo đánh giá của LHQ thì bệnh viện này hoạt động rất hiệu quả, không chỉ được LHQ ghi nhận mà còn được nhân dân Nam Sudan đánh giá rất cao. Bên cạnh bệnh viện dã chiến cấp 2, Việt Nam đang chuẩn bị rất tích cực để cử một đơn vị công binh đến Nam Sudan cũng như dự định triển khai thêm nhiều hoạt động khác.

Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng, Việt Nam và Nam Sudan có sự bổ sung cho nhau rất lớn, nhất là về kinh tế. Nam Sudan là một nước có diện tích gấp đôi Việt Nam, có tiềm năng dầu khí, nông nghiệp, thương mại lớn nhưng dân số chỉ có khoảng 12 triệu người. Trong khi đó, Việt Nam có trên 97 triệu dân và đã có những công ty, tập đoàn làm ăn khá hiệu quả ở khu vực miền Nam châu Phi. Vì vậy, nếu vượt qua được khó khăn hiện nay là khoảng cách địa lý thì Nam Sudan là nước có tiềm năng hợp tác rất lớn. Nam Sudan không những tin tưởng vào kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển kinh tế, mà còn mong đợi vào tiềm lực của các tập đoàn Việt Nam có thể vươn tới nước này, nhằm tăng cường quan hệ kinh tế song phương.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý và Đại sứ Akuei Bona Malwal, Trưởng phái đoàn đại diện Nam Sudan tại Liên hợp quốc ký kết thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ngoài ra, hợp tác của hai nước trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt tại LHQ, chắc chắn cũng là cơ sở giúp tăng cường tính hiệu quả. Trước mắt, Việt Nam rất cần sự ủng hộ của Nam Sudan trong việc ứng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ vào tháng 6 tới, bởi Nam Sudan có nhiều bạn bè ở khu vực. Trong khi đó, châu Phi có 54 phiếu bầu nên, nếu Việt Nam được Nam Sudan ủng hộ và giành được tất cả phiếu ở khu vực này thì uy tín của Việt Nam sẽ rất lớn.

Về phần mình, Đại sứ Akuei Bona Malwal đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Theo ông, Nam Sudan rất muốn học hỏi cách thức Việt Nam "hồi sinh" sau chiến tranh chỉ trong một thời gian ngắn và phát triển kinh tế được như hiện nay. Bên cạnh đó, Đại sứ Malwal cũng đánh giá cao việc Việt Nam cam kết tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình và thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Dự kiến, trong tuần tới, sẽ có một đoàn cấp cao của Việt Nam sang Nam Sudan và Nam Sudan cũng sẽ sớm cử đoàn sang thăm Việt Nam.

Đại sứ Malwal nhấn mạnh, sau khi hết chiến sự và lập lại hòa bình, Nam Sudan rất muốn duy trì và phát triển quan hệ về nhiều mặt với Việt Nam, không chỉ ngoại giao, mà cả kinh tế - xã hội, văn hóa. Cũng theo Đại sứ Malwal, Nam Sudan và Việt Nam có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực trong đó có nông nghiệp, công nghiệp.

Cộng hòa Nam Sudan có diện tích 619.745 km2 với dân số 13,1 triệu người (năm 2017). Đây là quốc gia đất đai màu mỡ, sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, chủ yếu là dầu mỏ - nguồn nhiên liệu chiếm tới 98% ngân sách hoạt động hàng năm của Chính phủ và 80% GDP của Nam Sudan.

(theo TTXVN)