📞

Viết tiếp bản anh hùng ca bất hủ Điện Biên Phủ

Chu Văn 15:36 | 09/05/2024
Rưng rưng xúc động, dâng tràn cảm xúc tự hào… là cảm nhận chung của hàng triệu người con đất Việt khi được tham dự, theo dõi Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra trọng thể tại Điện Biên, vẹn nguyên khí thế hào hùng của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Nguồn: NDO)

Ngay từ sáng sớm ngày 7/5, hàng chục nghìn người có mặt khắp các nẻo đường dẫn đến sân vận động Điện Biên (TP. Điện Biên Phủ) đón chờ một trong những sự kiện chính trị lớn nhất trong năm, thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước – Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bên cạnh các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lễ kỷ niệm có sự tham dự của các vị khách nước ngoài: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào Chansamone Chanyalath; Phó Thủ tướng Campuchia Neth Savoeun; Phó Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc Trương Khánh Vĩ; Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu…

Trận đánh vĩ đại của thế kỷ XX

Chứng kiến và cảm nhận rõ tinh thần, hào khí Điện Biên trong những ngày vừa qua, nhiều hãng thông tấn quốc tế đã đưa tin đậm nét về sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. Ngày 7/5, hãng tin Reuters đã có bài viết với tựa đề Việt Nam kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, nêu rõ các cựu chiến binh, các lãnh đạo cấp cao và các nhà ngoại giao đã tập trung tại Điện Biên Phủ để tham dự sự kiện kỷ niệm 70 năm chiến thắng trước thực dân Pháp. Hãng tin này nhận định, trận Điện Biên Phủ lịch sử được coi là một trong những trận đánh vĩ đại của thế kỷ XX. Thất bại của Pháp dẫn đến việc ký kết Hiệp định Geneva vào năm 1954.

Màn xếp hình nghệ thuật chủ đề Bản hùng ca Điện Biên. (Nguồn: VNE)

Reuters dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia người Australia: “Một bài học từ chiến dịch Điện Biên Phủ là Việt Nam phải xác định rõ ràng lợi ích quốc gia và theo đuổi những lợi ích này một cách chiến lược. Việt Nam đã hệ thống hóa cách tiếp cận này bằng đường lối ‘ngoại giao cây tre’, kiên quyết và không khuất phục trên các nguyên tắc cơ bản, nhưng linh hoạt trong cách thức và phương tiện để đạt được các mục tiêu chiến lược”.

Cùng lúc đó, hãng tin AFP đưa hình ảnh hàng ngàn người dân Việt Nam mặc áo dài, cùng trang phục của các dân tộc Thái và Mông, xuống đường tại thành phố Điện Biên Phủ theo dõi lễ diễu binh. “Chúng tôi đã chiến đấu cho độc lập và tự do”, AFP dẫn lời cựu chiến binh Hoàng Văn Bảy (93 tuổi). Hãng tin Pháp ghi nhận các di tích trận Điện Biên Phủ đang có một sự đổi mới lớn, khi Chính phủ muốn đưa nơi này thành địa điểm du lịch hấp dẫn. Nhiều hãng tin, cơ quan thông tấn quốc tế đồng loạt điểm lại các dấu mốc quan trọng, cũng như các sự kiện lịch sử, mô tả bầu không khí tại Lễ kỷ niệm.

Sáng 7/5, đoàn đại biểu do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng đoàn đã dâng hoa, dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi vòng hoa viếng các anh hùng, liệt sĩ.

Những kỳ tích “Điện Biên mới”

Với sự chuẩn bị chu đáo, đúng 7h30 ngày 7/5, các hoạt động trong chương trình Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra đúng kế hoạch. Dưới cơn mưa nặng hạt, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, diễn viên của lực lượng quân đội và công an nỗ lực mang đến chương trình nghệ thuật đặc sắc, gây xúc động mạnh cho đồng bào cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt đầu bằng nghi thức chào cờ Tổ quốc rất đặc biệt với 21 loạt pháo lễ được bắn lên rền vang trong không khí hào hùng, thiêng liêng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc diễn văn kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết tinh của sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là chiến thắng của chính nghĩa, của lòng dân, của lương tri và phẩm giá con người, được dẫn dắt bởi đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo; bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu, từ truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử.

Đặc biệt, góp phần trực tiếp làm nên chiến thắng là sự cống hiến, hy sinh to lớn của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - một đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” với trên bốn vạn cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong chương trình Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho đại diện Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta tuyệt đối không say sưa với những thành tựu đạt được, không bi quan trước những khó khăn, thử thách đang đặt ra. Ngược lại, càng phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn; khơi dậy, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa; quyết tâm phấn đấu cao nhất để tiếp tục lập nên những kỳ tích “Điện Biên Phủ mới”. Qua đó, viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng với tất cả sự quyết tâm, sự kiên trì, bền bỉ, nhiệt huyết, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước của các thế hệ hôm nay và mai sau”.

Ngay sau lễ mít tinh là chương trình diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự tham gia của hơn 12.000 người. Trong đó, điểm nhấn là sự tham gia của lực lượng Pháo lễ gồm 18 khẩu lựu pháo 105 và 12 máy bay trực thăng bay qua khán đài của lực lượng không quân. Tiếp đó là phần trình diễn của khối diễu binh, khối diễu hành và khối nghệ thuật.

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc trong sự nức lòng của hàng triệu người dân mọi miền Tổ quốc. Dù được tận mắt chứng kiến hay theo dõi qua tivi, điện thoại, trái tim mỗi người đều trọn vẹn nỗi xúc động, niềm tự hào và biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục củng cố niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.