Toàn cảnh Phiên họp toàn thể về công tác xây dựng ngành trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 ngày 18/12. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Cùng với quá trình tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, trong những năm qua, Việt Nam luôn kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Đó là sự kết hợp, kế thừa và phát huy những triết lý truyền thống ngoại giao của ông cha ta về lòng yêu nước, độc lập, tự chủ, tinh thần hòa hiếu, nhân văn, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết… dưới ánh sáng soi rọi của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước
Bàn về văn hóa ngoại giao, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, ngoại giao Việt Nam thể hiện bốn đặc sắc văn hóa. Đó là kiên định trong mục tiêu, nhân văn trong cốt cách, rộng mở trong tâm hồn và linh hoạt trong hành động.
Được vận dụng nhuần nhuyễn trong công cuộc cách mạng nói chung, hoạt động ngoại giao nói riêng, những triết lý truyền thống ngoại giao đó đã góp phần cực kỳ quan trọng vào những thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam trong suốt 76 năm qua; nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Về mối quan hệ giữa thực lực và ngoại giao, Bác Hồ từng nhấn mạnh: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”.
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nói tới “thực lực” nên hiểu là sự tổng hòa cả “sức mạnh cứng” (hàm ý nói về kinh tế và lực lượng vũ trang) lẫn “sức mạnh mềm” thể hiện trong tinh hoa văn hóa dân tộc, ý chí kiên cường và tinh thần đoàn kết của toàn dân; tính chính nghĩa của sự nghiệp; tính đúng đắn của đường lối và sự sắc bén trong lãnh đạo, điều hành.
Nhà ngoại giao kỳ cựu nhận định rằng ngoại giao vốn là khoa học và nghệ thuật điều hành quan hệ quốc tế nhằm phục vụ cho ba mục tiêu chủ yếu là bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc; tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội và không ngừng nâng cao vị thế quốc tế của nước mình. Ba mục tiêu ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, còn trình tự ưu tiên sẽ tùy thuộc vào yêu cầu của từng nước, từng thời kỳ.
Để văn hóa ngoại giao Việt Nam tỏa sáng
Ngày nay, khi Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, trước những cơ hội và thách thức mới trên thế giới, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, đã đến lúc cần nâng cao và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa ngoại giao khoa học - công nghệ, ngoại giao đào tạo, ngoại giao môi trường tương tự như chiến dịch ngoại giao vaccine đang được triển khai quyết liệt, bài bản hiện nay.
Nguyên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các cán bộ ngoại giao về hưu và đương thời bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Riêng những người trực tiếp hoạt động đối ngoại, ông Vũ Khoan cho rằng, họ cùng một lúc phải gánh trên vai tới bốn nền văn hóa, bao gồm văn hóa ngoại giao, văn hóa dân tộc, văn hóa cần có của mỗi công chức, đảng viên và cả văn hóa nhân loại.
Vì vậy, nguyên Phó Thủ tướng kỳ vọng các thế hệ nối bước có thể thắp sáng hơn nữa văn hóa ngoại giao Việt Nam, góp phần vào công cuộc hiện đại hóa đất nước, đưa Việt Nam lên đài quang vinh, sánh vai cùng bè bạn năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.
Sự kỳ vọng này cũng được Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ tại Phiên họp toàn thể về công tác xây dựng ngành trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 vừa qua.
Hướng tới xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chỉ ra nhiệm vụ của ngành là quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, đường lối của Đảng, phát huy tối đa thế và lực mới của đất nước, thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ nhằm hướng tới xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao, vấn đề then chốt để đổi mới sáng tạo, hướng tới xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại nằm chính ở đội ngũ cán bộ ngoại giao, bởi cán bộ là cái gốc của mọi việc, thành hay bại đều do cán bộ.
“Nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại đặt ra yêu cầu rất cao về xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức và trí tuệ; hiện đại, chuyên nghiệp về phong cách và phương pháp làm việc, có trình độ đạt tới tầm khu vực và quốc tế”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Nỗ lực “giữ lửa” truyền thống
Cảm nhận sâu sắc về những giá trị, truyền thống vẻ vang của ngành ngoại giao, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao Đoàn Tuấn Minh bày tỏ cảm phục, tự hào trước những đóng góp lớn lao của nhiều lớp cán bộ làm công tác đối ngoại đối với sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt, thế hệ thanh niên ngành ngoại giao vô cùng tự hào khi được nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhận xét “đối ngoại ngày hôm nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc”.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đối thoại với thanh niên ngoại giao với chủ đề “phát huy truyền thống, vững bước tương lai”, ngày 19/10/2021. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Theo Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao, thanh niên ngoại giao có may mắn là luôn được “truyền lửa” từ các thế hệ đi trước. Ngọn lửa nhiệt thành đó là những bài học về tinh thần trách nhiệm khi thấy phòng làm việc của lãnh đạo vẫn sáng đèn trong đêm khuya; về tính cầu thị, chuyên nghiệp cũng như kiến thức sâu rộng khi đọc các lời chỉ đạo hay chỉnh sửa của lãnh đạo; về sự gần gũi, giản dị của các đồng chí lãnh đạo…
“Chính những giá trị, phẩm chất ở bên trong mỗi cán bộ làm công tác đối ngoại là truyền thống quý báu nhất của ngành ngoại giao Việt Nam. Chúng là những di sản của các thế hệ đi trước truyền lại, cho phép chúng tôi vững bước trước những thách thức, gian khó để thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại được Đảng và nhân dân giao phó, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước”, Bí thư Ban Chấp hành Đoàn Bộ Đoàn Tuấn Minh chia sẻ.
Phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, mỗi cán bộ ngoại giao đang nỗ lực và quyết tâm hết sức mình để viết tiếp những trang sử vàng vẻ vang, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có vai trò, vị thế cao trên trường quốc tế như phần kết trong bài thơ của Đại sứ Trần Tam Giáp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao:
“Bối cảnh thế giới khó lường
Hội nghị 31 soi đường đi lên
Rèn bản lĩnh, ý chí bền
Triển khai nghị quyết đạt nhiều thành công
Xứng danh con cháu Lạc Hồng
Tự hào tiếp bước nối dòng Văn Lang”.
“Với tư cách là một nhà ngoại giao đang công tác ở nước ngoài, tôi quán triệt, tiếp thu tất cả các ý kiến chỉ đạo để góp phần nhỏ bé vào xây dựng ngành ngoại giao nói riêng, công tác đối ngoại nói chung, từ đó đóng góp vào sự phát triển, hoà bình, ổn định của đất nước như lời Tổng Bí thư nói: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phục vụ cho đất nước phát triển. Đằng sau một nhà ngoại giao là cả dân tộc!” (Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái) |