Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin, Tổ trưởng Tổ quản lý đề án chuyển đổi Ngân hàng số Nguyễn Việt Phương. |
Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin, Tổ trưởng Tổ quản lý đề án chuyển đổi Ngân hàng số Nguyễn Việt Phương nhấn mạnh, Vietcombank đang thực hiện đề án chuyển đổi số với mục tiêu trở thành ngân hàng số đứng đầu ở Việt Nam.
Ngân hàng là ngành biến đổi rõ nét nhất bởi công nghệ 4.0. Điều này được cụ thể hóa ra sao tại ngân hàng ông/bà trong một vài năm gần đây?
CMCN 4.0 đã tác động lên hệ thống tài chính ngân hàng một cách sâu sắc và toàn diện, với các đặc tính cơ bản là sự cá nhân hóa, khả năng mở rộng, khả năng kết nối rất cao. Ngân hàng phải thay đổi không chỉ ở cách thức thực hiện giao dịch, các kênh cung cấp, phân phối sản phẩm mà cả trong cấu trúc ngân hàng, phương thức quản trị ngân hàng và các quy định liên quan …
Không nằm ngoài định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ trong việc cung cấp các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng, những năm vừa qua, Vietcombank đã tập trung nghiên cứu, tận dụng các thành tựu công nghệ nổi bật xây dựng, triển khai các dịch vụ thanh toán hiện đại nhanh chóng, tiện lợi, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn bảo mật cho khách hàng.
Bên cạnh việc triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử như ngân hàng trực tuyến Internet banking, ngân hàng qua tin nhắn SMS banking, ngân hàng qua điện thoại di động Mobile banking, Vietcombank liên tục mở rộng hợp tác với đa dạng các nhà cung cấp dịch vụ ở các lĩnh vực khác nhau như chứng khoán, điện, nước, trường học, bệnh viện, bảo hiểm, các đơn vị hành chính công, sở ban ngành, tổng cục thuế/hải quan, kho bạc nhà nước,… đáp ứng tối đa nhu cầu thanh toán của khách hàng.
Với mục tiêu chiến lược trở thành Ngân hàng bán lẻ số 1 Việt Nam và không ngừng mang đến những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, Vietcombank liên tục cập nhật những thành tựu mới của Công nghệ, để đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử tiện dụng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Vietcombank thường xuyên cập nhật các ứng dụng điện tử với thiết kế giao diện hiện đại, thân thiện, dễ dàng sử dụng với các tính năng đa dạng bao gồm các dịch vụ tài chính cơ bản và hỗn hợp như chuyển tiền trong và ngoài hệ thống Vietcombank, thanh toán hóa đơn cho đa dạng các nhà cung ứng dịch vụ, thanh toán thẻ tín dụng, tiết kiệm trực tuyến, đặt vé và thanh toán vé máy bay, quản lý đầu tư, thanh toán bằng QR code…
Năm 2019, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai thanh toán trực tuyến với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, mở ra cơ hội gắn kết, phát triển thanh toán điện tử giữa Vietcombank với người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động hành chính, dịch vụ công. Trong tháng 3/2020, Vietcombank tiếp tục ghi dấu nhờ việc tiên phong hợp tác với Cục cảnh sát giao thông mở rộng phạm vi thanh toán trực tuyến phí vi phạm giao thông và hợp tác với Tổng cục thuế triển khai dịch vụ thanh toán thuế cá nhân, lệ phí trước bạ trên cổng dịch vụ công Quốc gia.
Đồng thời, để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG), Vietcombank tiếp tục là Ngân hàng đầu tiên triển khai việc định danh khách hàng theo cơ chế xác thực một lần (SSO) trên Cổng DVCQG. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đã triển khai các phương thức thanh toán thẻ hiện đại như công nghệ một chạm “contactless”/NFC như Samsung Pay.
Thời đại 4.0 vừa là cơ hội đồng thời là thách thức với các doanh nghiệp và ngân hàng. Thấy rõ những điều đó Vietcombank đã xây dựng chiến lược và thực hiện đề án chuyển đổi số với mục tiêu trở thành ngân hàng số đứng đầu ở Việt Nam với nền tảng khách hàng lớn nhất; đáp ứng sự hài lòng cao nhất của khách hàng; đứng đầu trong việc tổ chức ngân hàng số hiệu quả; không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Vậy hiện Ngân hàng gắn kết ra sao với các công ty Fintech, viễn thông... để phát triển dịch vụ số, mở rộng mạng lưới, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt?
Với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, Fintech đã tạo ra bước đột phá sáng tạo, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện với chi phí thấp nhất. Thực tế, các ngân hàng hiện đang phải đối diện với rất nhiều thách thức do Fintech mang lại, với hầu hết các nghiệp vụ kinh doanh truyền thống như cho vay, thanh toán, chuyển tiền, tài chính cá nhân, bảo hiểm…
Dù có thể đầu tư nguồn lực tài chính cho phát triển công nghệ, song vấn đề vòng đời sản phẩm ngắn và độ trễ trong việc ứng dụng sẽ khiến khoản đầu tư của các ngân hàng có thể không hiệu quả. Tuy nhiên, về phía Fintech, thách thức đặt ra là phải đối mặt với nguy cơ thất bại do không thể cung cấp các sản phẩm phù hợp với thị trường, mô hình kinh doanh không bền vững, chi phí mở rộng thị trường cao, khó khăn trong việc giành thị phần với sản phẩm mới khác biệt so với những sản phẩm đã được các ngân hàng cung ứng lâu năm, niềm tin của khách hàng khi sử dụng dịch vụ tài chính. Do đó, thay vì cạnh tranh, Fintech và ngân hàng đã chuyển sang thời kỳ bắt tay hợp tác để cùng phát triển, mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội.
Ngoài ra, Vietcombank cũng đang từng bước phát triển hệ sinh thái trên thiết bị di động (Mobile Ecosystem) và mong muốn sẽ mang đến nhiều sự trải nghiệm mới đa dạng cho khách hàng. Định hướng kết nối các đối tác Fintech nhằm tăng cường khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới cho khách hàng thông qua xây dựng hệ sinh thái Vietcombank với các nhóm ưu tiên chính: Cung cấp các sản phẩm sáng tạo được xây dựng bởi các đối tác trong hệ sinh thái; Cung cấp các sản phẩm tài chính sáng tạo của Vietcombank cho các đối tác trong hệ sinh thái; Hợp tác với các đối tác công nghệ nhằm xây dựng, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực ngân hàng.
Trên cơ sở đó, Vietcombank ưu tiên nguồn lực để thực hiện hợp tác cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Ông có đề xuất nào về hành lang pháp lý cho những phương thức trao đổi, giao dịch số... sẽ phát sinh khi Mobile Money được đưa vào thí điểm và triển khai?
Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt như Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, các quy định về trung gian thanh toán, Nghị định về phòng chống rửa tiền, chuẩn bị sửa đổi hướng dẫn việc mở sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán,… cho phép các giao dịch mở tài khoản thanh toán/định danh lần đầu có thể không cần gặp mặt trực tiếp…
Tuy nhiên, nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến dịch vụ Mobile Money cần được giải quyết, ví dụ như lo ngại trong việc kiểm soát các giao dịch không qua hệ thống ngân hàng; hạn mức thanh toán và giới hạn tiền nạp vào tài khoản; kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động rửa tiền qua loại hình dịch vụ này; trách nhiệm bảo mật thông tin khách hàng của các nhà mạng; cơ chế giải quyết khiếu nại trong hoạt động này như thế nào.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các quy định pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cho mobile cũng cần có những điều chỉnh phù hợp cho Ngân hàng để tạo sân chơi công bằng. Một hệ thống các quy định pháp lý đủ sức mạnh sẽ tạo nền tảng vừa thúc đẩy loại hình dịch vụ này, vừa kiểm soát chặt chẽ các đơn vị cung cấp dịch vụ, ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh cũng như phòng ngừa tính rủi ro của một phương thức mới trong một hoạt động có tính nhạy cảm cao là lưu thông tiền tệ.