Bà Mai Nguyen (phải) dạy một học viên chơi đàn tranh - Ảnh: Los Angeles Times |
Lúc còn ở Việt Nam, bà Mai Nguyen từng là một giảng viên âm nhạc nổi tiếng tại Sài Gòn. Nhiều sinh viên ở xa tìm đến bà để học hỏi kỹ năng chơi đàn tam thập lục. Đây là một loại đàn giống như đàn harp của phương Tây, tạo ra một thứ âm thanh tao nhã và làm mê đắm lòng người.
Lan tỏa âm nhạc quê hương
Sau khi rời Việt Nam sang Mỹ năm 1975, bà bỏ lại cây đàn yêu quý và có suy nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ còn dạy học được nữa. Tuy nhiên, không lâu sau khi đến Orange County, một số thành viên trong cộng đồng người Việt đông đảo ở đó bắt đầu tìm đến để xin bà dạy nhạc cho con cái họ. Bà Mai Nguyen sau đó đã nhờ bạn bè mang cây đàn thập lục của mình sang Mỹ và bắt đầu các lớp dạy nhạc trong gara nhà mình. Vào năm 1989, bà cùng với Chau Nguyen, một cựu giảng viên âm nhạc khác, bắt đầu lập một nhóm để dạy học viên chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam.
Khởi đầu, lớp học thu hút được 10 học viên thường xuyên. Ngày nay, theo báo Los Angeles Times (Mỹ), nhóm Lac Hong nói trên có hơn 100 học viên theo học các môn khác nhau, từ đồng ca, chơi đàn cho đến múa các điệu múa truyền thống. Họ luyện tập tại một văn phòng trên tầng 2 của một trung tâm mua sắm ở khu Little Saigon. Cứ vào mỗi thứ bảy, văn phòng lại tràn ngập tiếng đàn nguyệt, đàn bầu, đàn cò và đàn tranh của các học viên. Bà Mai Nguyen nói: “Ban đầu, tôi cho rằng không ai muốn học những nhạc cụ này cả. Nhưng ngay khi tôi đến đây định cư thì họ bắt đầu đến nhờ tôi dạy chơi nhạc. Càng dạy, tôi càng nhận thấy mọi người Việt đều yêu âm nhạc quê hương”.
Học nhạc, học cả văn hóa
Lac Hong hiện là nhóm bảo tồn và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam lớn nhất ở Mỹ. Tại đây, những đứa trẻ mới lên 4 tuổi đã bắt đầu học hát dân ca cùng 2 giáo viên. Sau cùng, các học viên sẽ chọn học một nhạc cụ nào đó mà mình ưa thích. Nhiều người vẫn tiếp tục học cho đến khi rời đây để vào đại học. Bà Mai Nguyen nhận định: “Bọn trẻ không chỉ học nhạc, chúng còn học cả văn hóa”.
Mục tiêu của bà Mai Nguyen là bảo tồn âm nhạc truyền thống Việt Nam ở Mỹ. Bà nói: “Chúng tôi tìm cách đưa nghệ thuật và văn hóa truyền thống Việt Nam vào trong xu thế chủ đạo”. Học viên của nhóm thường biểu diễn tại các sự kiện trong cộng đồng người Việt và các lễ hội quốc tế ở Nam California. Bà tâm sự rằng bà không khỏi sửng sốt khi thấy âm nhạc truyền thống Việt Nam tiếp tục được chơi ở một xứ sở mới, nơi bà và hàng ngàn người Việt đang sinh sống. Bà kể rằng một số em ban đầu học nhạc chỉ vì muốn làm cha mẹ vui lòng. Nhưng nhiều người sau đó trở nên say mê âm nhạc. Một số em thậm chí còn học thêm nhạc cụ thứ hai. Bà kết luận: “Văn hóa truyền thống Việt Nam vẫn còn sống ở đây”.
Theo Người Lao Động