Đại tá Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel. |
Niềm tin về sự thành công của một doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài đã được Viettel khẳng định qua những kết quả cụ thể. Ông có thể giới thiệu về những thành tựu đó?
Hiện nay, ngoài Việt Nam, Viettel đã đầu tư và kinh doanh tại 8 quốc gia ở 3 châu lục là Lào, Campuchia, Đông Timor (Châu Á), Haiti, Peru (Châu Mỹ) và Mozambique, Cameroon, Tanzania (Châu Phi). Dự kiến, năm 2013, tổng doanh thu từ đầu tư nước ngoài của Viettel sẽ đạt gần 1 tỷ USD, tăng trưởng 36% so với năm 2012, lợi nhuận chuyển về Việt Nam dự kiến gần 150 triệu USD, gấp 2 lần so với năm 2012.
Thành công của Viettel tại thị trường nước ngoài đã được ghi nhận bằng cách giải thưởng uy tín trong khu vực và thế giới. Cụ thể, Unitel tại Lào đã vượt qua nhiều tên tuổi lớn để giành giải thưởng Mạng viễn thông tốt nhất tại thị trường đang phát triển trong lần đầu tham dự Giải thưởng Truyền thông Thế giới 2012. Giải thưởng này cũng đã được trao cho mạng Metfone tại Campuchia vào năm 2011. Ngoài ra, Metfone cũng được công nhận là Nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất của năm tại thị trường mới nổi do tổ chức Frost&Sullivan trao tặng năm 2010. Tại Mozambique, mạng Movitel (liên doanh giữa Viettel và công ty SPI) cũng đã được công nhận là Nhà mạng có giải pháp tốt nhất giúp cải thiện viễn thông tại khu vực nông thôn Châu Phi do Hiệp hội truyền thông Châu Phi trao tặng năm 2012 và là Doanh nghiệp dẫn đầu về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực di động do Tổ chức nghiên cứu thị trường Frost and Sullivan trao tặng cho Movitel, năm 2013.
Thương hiệu Viettel đang dần được khẳng định trên bản đồ viễn thông toàn cầu, qua đó đưa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới. Ngoài ra, thành công của Viettel cũng đã góp phần tích cực vào hoạt động đối ngoại kinh tế của Việt Nam.
Kế hoạch “chinh phục thế giới” tiếp theo của Viettel là gì? Ông có dự đoán gì về đoạn đường khó khăn trước mắt, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu, rộng sắp tới?
Trong thời gian tới, đầu tư ra nước ngoài vẫn là một trong những chiến lược quan trọng và lâu dài của Viettel với mục tiêu đến năm 2015 sẽ hiện diện ở 10 – 15 quốc gia, chinh phục được khoảng 200 – 250 triệu dân và lọt vào top 10 nhà đầu tư quốc tế lớn nhất thế giới.
Bên cạnh thị trường Mozambique, Viettel sẽ tiếp tục tập trung tìm kiếm và đầu tư vào khu vực châu Phi với các nước như Cameroon, Tanzania, Kenya, Burkina Faso,… Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn cố gắng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một số quốc gia châu Âu.
Viettel đưa dịch vụ viễn thông đến mọi người dân ở các quốc gia đầu tư, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa. |
Khó khăn hiện nay cũng như trước mắt của Viettel là cơ hội thị trường ngày càng ít, sức cạnh tranh ngày càng gay gắt, doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao (ARPU) giảm. Viettel đang phải cạnh tranh với nhiều nhà mạng viễn thông nổi tiếng thế giới như Orange, Vodafone, Telefonica, Beeline, SingTel… với doanh thu và kinh nghiệm hơn Viettel hàng chục lần. Hơn nữa, khó khăn lớn nhất và cũng là nguy cơ rủi ro đối với Viettel khi đầu tư ra nước ngoài là tình hình chính trị, sự khác biệt về văn hóa và tư duy của khách hàng.
Để tồn tại và tiếp tục phát triển, Viettel buộc phải năng động, thay đổi để thích nghi. Ngoài việc tập trung mở rộng, phát triển các dịch vụ viễn thông cơ bản, Viettel còn nghiên cứu tạo ra các sản phẩm – dịch vụ mới dựa trên nền tảng hạ tầng viễn thông như dịch vụ giá trị gia tăng, CNTT, Truyền hình,… với mục tiêu đưa viễn thông và CNTT vào các lĩnh vực khác của đời sống xã hội (Chính phủ điện tử, Y tế, Giáo dục,…). Bên cạnh đó, để mở rộng thị trường, hiện nay, Viettel cũng bắt đầu tìm kiếm cơ hội phát triển các ngành nghề khác như xuất nhập khẩu thiết bị đầu cuối, gạo, gỗ,…
Ông đánh giá thế nào về đội ngũ doanh nhân Việt Nam, so với các đồng nghiệp quốc tế? Chúng ta cần phải làm gì để giảm thiểu những điểm yếu này?
Viettel xúc tiến đầu tư ra nước ngoài cũng tạo cơ sở và là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể bước ra thế giới như BIDV, MB,… Các doanh nhân Việt Nam có điểm mạnh là nhanh nhạy, cần cù và không ngại khó ngại khổ. Tuy nhiên, trên con đường hội nhập quốc tế, họ vẫn còn nhiều hạn chế như thiếu thông tin, không dám nghĩ lớn, nghĩ dài và thường có tâm lý sợ rủi ro. Điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam còn lúng túng và chưa khẳng định được tên tuổi ở thị trường nước ngoài.
Để khắc phục những điểm yếu này, theo tôi, Chính phủ và cơ quan ngoại giao cần cung cấp thông tin đầy đủ, thường xuyên cho doanh nghiệp và có các chính sách hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài về tài chính, thanh toán hay cải thiện các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng cần thiết lập mối quan hệ, ký kết hiệp định hợp tác song phương với các nước. Hoạt động này sẽ giúp Viettel và doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và phát triển kinh doanh tại các nước trên thế giới.
Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm mở rộng thị trường ở nước ngoài và đàm phán với các đối tác nước ngoài của Viettel mà ông cho là rất quan trọng?
Thứ nhất, tại mỗi quốc gia, trước khi quyết định đầu tư, chúng tôi đều chuẩn bị thông tin đầy đủ về đất nước đó, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ văn hóa, tập quán sinh hoạt, thói quen tiêu dùng của người dân nước sở tại. Các thông tin càng đầy đủ và chính xác sẽ giúp chúng ta có được chiến lược đầu tư và kinh doanh hiệu quả và nhanh chóng.
Thứ hai là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Chính phủ nước sở tại để tìm ra điều mà đất nước đó đang cần và đang thiếu. Điều này khiến việc đầu tư của Viettel càng trở nên có giá trị và lợi thế hơn.
Thứ ba là gắn kinh doanh với trách nhiệm xã hội. Kinh nghiệm của Viettel ở nước ngoài cho thấy, muốn thành công ở đâu thì phải chiếm được tình cảm, sự ủng hộ của xã hội, của người dân nước ở đó. Các chương trình xã hội của Viettel đều hướng đến người nghèo, đến giáo dục, y tế, đến thế hệ trẻ đều được Chính phủ và nhân dân các nước ghi nhận và đánh giá cao. Đây cũng là một trong những cách xúc tiến đầu tư hiệu quả.
Thứ tư, khi bắt đầu ở một quốc gia mới, Viettel luôn xác định phải làm chủ, cố gắng “tự lực cánh sinh” càng nhiều càng tốt, lao động hết mình để giúp chính người Viettel vừa hiểu hơn về thị trường mình đang đầu tư vừa tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ. Khi bước vào kinh doanh, chúng tôi lại tận dụng lao động địa phương để mở rộng mạng lưới, phát triển sản phẩm – dịch vụ. Dần dần, sau một vài năm, Viettel chuyển giao lại công nghệ cho người sở tại quản lý và điều hành. Chúng tôi chỉ giữ lại một số vị trí chủ chốt của người Việt Nam. Với cách làm này, Viettel đã tạo dựng được niềm tin, niềm tự hào cho người dân nước sở tại. Khi công ty là của họ, họ sẽ có trách nhiệm với công việc và hết mình cống hiến cho công ty.
Theo ông, sự hợp tác của cơ quan ngoại giao Việt Nam với Viettel thời gian qua đã hiệu quả chưa? Ông có đề xuất gì để hợp tác này ngày càng mang lại những kết quả thiết thực?
Tại Việt Nam cũng như các quốc gia Viettel đầu tư, chúng tư luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, cơ quan ngoại giao Việt Nam. Tuy nhiên, với chiến lược đầu tư ra nước ngoài ngày càng mở rộng của Viettel nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung, cơ quan ngoại giao nên là đầu mối cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ cho doanh nghiệp; hỗ trợ tổ chức các cuộc gặp giữa doanh nghiệp với quan chức chính phủ các nước dự định đầu tư.
Ngoài ra, các cơ quan ngoại giao cũng cần hiểu được các công việc mà doanh nghiệp đang làm, nắm rõ về lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp, tạo cơ sở thông tin để đàm phán các điều khoản có lợi, dành các ưu đãi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Cuối cùng, cơ quan ngoại giao Việt Nam nên đặt ở nước quan trọng, đầu mối trong khu vực hoặc ở những nơi là trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của các khu vực để phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực đó.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Trúc (thực hiện)