Sinh ra tại thành phố New York, ông Greene từng là một nhà hoạt động phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Ông bén duyên với vai trò phóng viên ảnh vào những năm 80 của thế kỷ 20 sau khi có cơ hội gặp gỡ phóng viên nổi tiếng W. Eugene Smith.
Đến năm 1986, ông chuyển tới Paris sinh sống. Cuộc đời và sự nghiệp nhiếp ảnh của ông gắn liền với những chuyến đi và những bức ảnh ghi lại các cuộc xung đột tại Chechnya, Iraq, Darfur, Afghanistan, Kashmir, Liban... Ngoài đề tài chiến tranh, ông còn hướng ống kính máy ảnh tới các vấn đề xã hội, những bi kịch của nhân loại và nhiều sự kiện lớn trên thế giới.
Phóng viên ảnh Stanley Greene. (Ảnh: Sarah Shatz) |
Một trong những công trình nhiếp ảnh mới nhất phải kể đến những tấm hình ông chụp lại được khi tới thành phố Bhopal, miền Trung Ấn Độ vào năm 1984 sau một vụ rò rỉ khí độc trên quy mô lớn, khiến ít nhất 25.000 người thiệt mạng. Cho tới nay, đây vẫn là một trong những thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất nhất trên thế giới.
Ông Greene cũng là người tình cờ chớp được khoảnh khắc Bức tường Berlin (Đức) sụp đổ năm 1989.
Năm 1994, ông ghi lại được hình ảnh đau thương về nạn diệt chủng Rwandan, sự kiện mà ở đó gần 800.000 người, hầu hết là người Tutsi bị tước đoạt mạng sống, trước khi tới quốc gia láng giềng CH Dân chủ Congo và Zaire để đưa tin hình về một đợt bùng phát dịch tả.
10 năm sau đó, sau khi xảy ra cơn bão "chết chóc" Katrina, ông tiếp tục hành trình ghi lại những cảnh tượng hoang tàn, đổ nát để lột tả sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão này - thảm họa cướp đi sinh mạng của 1.833 người.
Năm 2016, Greene được tôn vinh với giải Visa d'Or tại Lễ trao Giải Ảnh báo chí thế giới vì những cống hiến lớn lao trong suốt cuộc đời hoạt động nhiếp ảnh của ông.