Công nhân tại một doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc. (Nguồn: TTXVN) |
Vĩnh Phúc hiện có trên 15.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 9.500 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức do tình hình kinh tế suy giảm ở trong và ngoài nước.
Trước bối cảnh đó, Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng doanh nghiệp. Nhờ đó, từ quý III/2023, thị trường tiêu thụ một số lĩnh vực như vật liệu xây dựng, may mặc, giày da, linh kiện điện tử... có dấu hiệu khởi sắc đã tạo đà cho các doanh nghiệp vượt khó, hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2023.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến ngày 15/10, toàn tỉnh có 1.246 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 14.400 tỷ VND, tăng 11% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh số doanh nghiệp thành lập mới, có 318 doanh nghiệp quay trở lại thị trường (cùng kỳ năm 2022 là 364 doanh nghiệp).
Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng khởi sắc với số vốn đăng ký tăng cao so với cùng kỳ năm trước. 10 tháng đầu năm 2023, tỉnh thu hút gần 558 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 34,82% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 139,4% kế hoạch. Đồng thời, thu hút vốn đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) đạt hơn 21 nghìn tỷ VND, bằng 215,5% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 4,26 lần so với kế hoạch năm 2023.
Xác định doanh nghiệp là sức sống của toàn tỉnh, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực hoàn thiện Đề án về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn trong và ngoài nước đến Vĩnh Phúc đầu tư để giúp các DDI có thêm khách hàng lớn.
Năm 2023, Vĩnh Phúc đã dành hơn 53 tỷ VND kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, kinh phí hỗ trợ tư vấn là 17,6 tỷ VND; hỗ trợ công nghệ 14,5 tỷ VND; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hơn 4 tỷ VND; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo hơn 6,8 tỷ VND...
Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm rà soát các FTA, các hiệp định đang có hiệu lực, đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc về thị trường, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu; tăng cường tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các hoạt động xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính cả về thể chế, thủ tục, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, công chức, tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. 9 tháng năm 2023, 100% thủ tục đầu tư được kê khai trực tuyến trên hệ thống thông tin quốc gia; 100% thủ tục hành chính về lao động được thực hiện 4 tại chỗ, thời gian giải quyết được rút gọn, nhanh chóng, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung rà soát, đánh giá lại khả năng thực hiện kế hoạch của từng nhóm, ngành hàng. Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, phấn đấu đạt kết quả cao nhất so với mục tiêu đã đề ra.