Virus corona - Chưa có thuốc đặc trị, chống đến cùng hay học cách sống chung. (Nguồn: Fda.gov) |
“Di chuyển” nhanh hơn đại dịch SARS, khả năng lây lan từ người sang người theo cấp sô nhân, kể cả khi chưa xuất hiện triệu chứng, 2019-nCoV nhanh chóng “phủ sóng” bốn châu lục.
Kịch bản đẹp nhất là khi các công tác kiểm dịch và hạn chế đi lại thực sự đem lại hiệu quả. Bước đầu tiên này sẽ giúp ngăn chặn sự lan rộng và bùng phát trên diện rộng. Sau đó là công tác diệt trừ virus, để 2019-nCoV không còn nhiều cơ hội trở lại, như bác sĩ dịch tễ học Mike Ryan - Trưởng phòng cấp cứu y tế tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mong muốn. Đó là những gì đã từng xảy ra với dịch SARS năm 2002-2003.
Nhưng tiếc rằng, nhiều chuyên gia đã nhận định, một cái kết đẹp như vậy ngày càng khó xảy ra. Tuần trước, trên một bài báo trên tờ The Lancet, các nhà khoa học thuộc Đại học Hong Kong thậm chí đã lo ngại về tình huống những cơn bùng phát mới xuất hiện ngoài Trung Quốc, lan truyền ở một số khu vực độc lập, như tại các thành phố lớn trên toàn cầu.
Sống chung với corona
Lo ngại trên có vẻ như ám chỉ về một kịch bản thất bại, nhưng nếu nó xảy ra trong tương lai, thì dự báo đó thật sự có ý nghĩa rất lớn đối với việc hoạch định trong các hệ thống chính sách công: Một thế giới - trong đó, nCoV tồn tại như một yếu tố xấu nhưng không thể loại bỏ.
“Không phải là quá sớm để nói đến điều này", bác sĩ Amesh Adalja, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins khẳng định. Virus đường hô hấp đặc biệt khó kiểm soát, vì vậy trên trang mạng khoa học chuyên về y học và sức khỏe STAT (Mỹ), bác sĩ Adalja đã đề cập, “rất có thể dịch bệnh nguy hiểm đang bùng phát hiện nay kết thúc với việc virus này trở thành virus đặc hữu (chỉ một virus luôn tồn tại trong một cộng đồng)".
Trên thực tế, chủng virus corona tìm thấy ở Vũ Hán là một loài mới và chưa từng được tìm thấy trước đây. Ngoài ra còn có 6 loại virus corona khác đã được biết tới và có khả năng lây nhiễm ở người. Hai loại trong số đó là là MERS-Cov và SARS-Cov cực kỳ nguy hiểm, mức tác động và ảnh hưởng vượt xa các chủng corona khác. Chủng virus gây bệnh SARS từng khiến hơn 8.000 lây nhiễm, gần 1.000 người thiệt mạng. Còn Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông MERS đến nay đã gây tử vong cho hơn 800 bệnh nhân.
Nhưng có tới 4 chủng virus corona đặc hữu đang tồn tại chung với cuộc sống của con người. “Rất có thể 2019-nCoV sẽ trở thành chủng thứ 5 đặc hữu”, Giáo sư Stephen Morse - một nhà dịch tễ học và chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm mới thuộc Đại học Columbia nhận định. Vị chuyên gia này cho biết, ông đã nghĩ tới kịch bản đó, vì so với cúm mùa loại virus này không hẳn có đặc điểm gì quá đặc biệt.
Thuật ngữ virus corona nghe có vẻ mới mẻ, nhưng phần lớn mọi người đã không ít lần chạm trán nó. Bốn chủng virus corona không còn xa lạ với con người, chúng thường gây ra các bệnh về đường hô hấp trong mùa Đông-Xuân và ít gây hậu quả xấu. Hai trong số đó là OC43 và 229E được phát hiện vào những năm 1960, nhưng vốn tồn tại trong bò và dơi từ trước đó nhiều thế kỷ. Hai virus còn lại là HKU1 và NL63 thì mới chỉ được phát hiện sau dịch SARS 2003-2004, nhưng chúng cũng đã ẩn náu trong động vật từ trước đó.
Ở mặt bi quan hơn, 2019-nCoV sẽ trở thành chủng virus corona đặc hữu thứ 5, có nghĩa là thêm một loại bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mới. (Nguồn: Pound Sterling) |
Không biết các loại virus này đã tồn tại bao lâu ở người trước khi con người biết đến? Và cả bước “nhảy” của nó từ động vật sang người cũng xảy ra trước khi có ngành virus học, nên hiện chưa có câu trả lời chính xác, liệu bước nhảy ban đầu đó có tạo nên một đại dịch hay không?
Chuyên gia về cúm Richard Webby, thuộc Bệnh viện nhi St. Jude cho biết, bốn virus trên đều có những đặc tính nhất định, tùy trường hợp nhiễm bệnh sẽ tìm thấy tác nhân của từng chủng virus corona. Theo vị chuyên gia này, đây có lẽ là kịch bản có khả năng nhất nếu 2019-nCoV không thể loại bỏ được hoàn toàn trong thời gian tới.
Những virus corona đặc hữu phần lớn chỉ gây nên các triệu chứng cảm lạnh thông thường, trong đó, chủng OC43 và 229E phổ biến hơn, đặc biệt ở trẻ em và người già là những người có sức đề kháng yếu. Các triệu chứng phổ biến nhất là sổ mũi, ho và nghẹt mũi trong khoảng 10 ngày, hoặc đôi khi chỉ là hắt hơi, phần lớn không ai bị sốt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cả bốn loại trên, đặc biệt là HKU1 có thể gây viêm phổi, đôi khi gây tử vong.
Nhưng hiện chưa có một kết luận chính xác nào về tỷ lệ nhiễm virus corona. Giống như cúm mùa và hậu quả cũng tương tự, một số trường hợp nghiêm trọng, một số nhẹ và rất nhiều trường hợp truyền bệnh mà không có triệu chứng nào.
Nhìn nhận vấn đề ở góc nhìn khả quan, chúng ta sẽ sớm phát triển được vaccine và các biện pháp đối phó hữu hiệu. Ở góc bi quan hơn, 2019-nCoV sẽ trở thành chủng virus corona đặc hữu thứ 5, có nghĩa là thêm một loại bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mới và thậm chí là những cái chết mà con người phải đối mặt.
Chuẩn bị đi… 2019-nCoV sẽ trở lại như cúm mùa
Theo chuyên gia Webby, điều kiện thời tiết hiện nay cho thấy chủng virus corona mới chịu được nhiệt độ thấp, thích điều kiện khô, mát của mùa Đông-Xuân. Đó là lý do tại sao cúm mùa, cũng như các virus corona đặc hữu khác ít phổ biến trong những tháng ấm và ẩm ướt. Nếu chủng virus corona mới giống như thế, thì sự xuất hiện của mùa Hè, cùng với những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh từ cộng đồng sẽ khiến 2019-nCoV suy yếu, rồi bị dập tắt. Nhưng cũng giống như virus cúm, hết dịch không có nghĩa là nó đã hoàn toàn biến mất.
Thực tế, số ca mắc bệnh và tử vong được xác nhận cho thấy, 2019-nCoV mới có tỷ lệ tử vong khoảng 2%, ít hơn rất nhiều so với10% ở SARS và không thể so sánh với 37% của MERS. Trong khi đó, dù tỷ lệ tử vong ở cúm mùa ít hơn 0,1%, thì vẫn giết chết hàng chục nghìn người Mỹ vào năm ngoái. Còn tỷ lệ tử vong trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1917 cũng đã lên tới 2,5%.
Một kịch bản là thế giới đã trải qua thêm một đại dịch về đường hô hấp. Sau đó, tùy thuộc vào những gì 2019-nCoV gây ra, nó hoàn toàn có thể ổn định rồi trở thành một bệnh mới về đường hô hấp và thường trở lại theo mùa. “Mức phí” mà con người phải trả sẽ phụ thuộc vào số lượng người nhiễm bệnh và mức độ nguy hiểm trong đại dịch lần này.