📞

Virus corona gây dịch Covid-19 còn có khả năng đột biến

Minh Anh 14:51 | 17/08/2020
TGVN. Một bài báo khoa học gần đây cho rằng, virus corona chủng mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã biến đổi thành một dạng nguy hiểm hơn.
Biến đổi là một khả năng bình thường để tồn tại của nhiều loại virus và chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) cũng không ngoại lệ. (Nguồn: Npr.org)

Vậy đây thật sự có phải là vấn đề chúng ta cần phải lo lắng hay không?

“Sống trong sợ hãi”

Từ đột biến vẫn thường được hiểu là một sự thay đổi mạnh mẽ và cơ bản trong một sinh vật. Chẳng hạn, trong bộ phim ăn khách của Đạo diễn nổi tiếng Michael Bay, chất thải độc hại trong cống rãnh của thành phố New York đã biến những chú rùa hiền lành thành “siêu rùa” chống tội phạm. Tuy nhiên, thật may mắn là “hư cấu về đột biến vẫn chỉ đơn giản là hư cấu”. Những ảnh hưởng của đột biến trong cuộc sống thực nhìn chung vẫn vô hại.

Trong bài phân tích về vấn đề đột biến của virus trên CNN, Tiến sỹ Mary Petrone và Nathan Grubaugh của Khoa Dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Yale, Mỹ cho rằng, việc sử dụng ý tưởng về đột biến để kích động sự sợ hãi đặc biệt nguy hiểm, nhất là trong lúc mức độ sợ hãi vì dịch Covid-19 đang gia tăng trên toàn cầu. “Sống trong sợ hãi” đã khiến nhiều người tìm đến bác sĩ bởi lo ngại nhiễm bệnh Covid-19, dù thực tế chỉ bị vài triệu chứng nhỏ như cảm lạnh. Hay một tiếng ho nhẹ hoặc hắt hơi ở nơi công cộng cũng khiến tất cả phải ngoái nhìn.

Một câu hỏi vẫn khiến cộng đồng phải lo lắng trong mùa dịch bệnh bùng phát là “Liệu mầm bệnh có thể biến đổi để trở nên nguy hiểm hơn hay không?". Mọi người có thể không cần quá bận tâm nhiều về vấn đề này.

Biến đổi là một khả năng bình thường để tồn tại của nhiều loại virus và chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) cũng không ngoại lệ. Nhưng vật liệu di truyền của virus là RNA chứ không phải DNA như ở người. Không giống như DNA của con người, khi virus sao chép vật liệu di truyền, chúng không “hiệu đính” lại chu kỳ sao chép trước đó.

Về bản chất, virus RNA không kiểm tra “chính tả” trong chu kỳ sao chép và việc mắc lỗi là thường xuyên. Những lỗi này có thể gọi là đột biến và nó khiến virus RNA biến đổi nhanh chóng so với các sinh vật khác. Điều này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng những sai lầm trong quá trình sao chép này thường tạo ra những thay đổi trung tính hoặc thậm chí có hại cho các virus mới được tạo ra. Đột biến trung tính thường không cải thiện, cũng như cản trở sự sống của virus, khiến nó vẫn tiếp tục phát triển, lan truyền mà không có bất kỳ ảnh hưởng đáng chú ý nào đối với vật chủ. Đột biến có hại cho virus ít có khả năng tồn tại lâu, nó được loại bỏ thông qua chọn lọc tự nhiên.

May mắn thay, khi đột biến xảy ra nhằm giúp virus có khả năng lây lan hoặc sống sót tốt hơn, thì chúng thường không có khả năng tạo ra sự khác biệt trong quá trình bùng phát bệnh dịch. Đặc trưng của virus như gây nhiễm trùng và tạo nên mức độ nghiêm trọng của bệnh được kiểm soát bởi nhiều gen và mỗi gen đó có thể ảnh hưởng đến khả năng lây lan của virus theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, một loại virus gây ra các triệu chứng nghiêm trọng thường ít có khả năng lây truyền, nếu người nhiễm được chữa bệnh đúng cách.

Như vậy, những đặc điểm này giống như các mảnh ghép trong một khối rubik, chỉ cần một thay đổi sẽ khiến các mảnh khác thay đổi theo. Bởi vậy, khả năng virus điều hướng một chuỗi thay đổi phức tạp để trở nên nguy hiểm hơn chỉ trong thời gian ngắn của đợt bùng phát dịch là rất thấp.

Bình tĩnh là giải pháp chống dịch hiệu quả

Tuy nhiên, khả năng thu nhận những thay đổi nhỏ nhưng liên tục của virus sẽ khiến vaccine chống các loại virus corona trong tương lai mất dần hiệu quả. Trong quá trình tiến hóa của virus có thể tạo ra sự đề kháng vaccine, quá trình này thường mất nhiều năm khi virus tích lũy đủ các thay đổi nhỏ để tạo thành một đột biến lớn. Nhiều loại vaccine chống virus RNA đã được phát triển trong suốt những năm 1930-1970, đến nay vẫn có hiệu quả cao chống lại các bệnh như sốt vàng da, sởi và quai bị...

Những virus này được cho là có tốc độ biến đổi nhanh hoặc nhanh hơn virus corona. Trên thực tế, hai chủng virus corona là S và L được phát hiện chỉ khác nhau hai đột biến nhỏ, còn giống nhau tới 99,993%. Bởi vậy, rất có khả năng bất cứ một loại vaccine đã chống được một chủng virus corona cũng có thể chống lại một chủng corona khác. Bởi vậy, lý do chúng ta cần một loại vaccine phòng bệnh cúm mùa phải “đón đầu” được khả năng virus này sẽ cải tổ bộ gen như thế nào, hơn là cách nó biến đổi.

Chắc chắn rằng, một số đột biến của virus thực sự nguy hiểm. Có khả năng một loạt các đột biến trong suốt lịch sử tiến hóa của virus corona đã cho phép một chủng corona gây bệnh cho dơi có thể tấn công con người. Tương tự như vậy, các đột biến chính trong protein HIV được cho là đã cho phép virus lây lan từ tinh tinh sang người. Trong dịch Ebola gần đây ở Tây Phi, một đột biến có thể đã giúp virus này lây nhiễm tốt hơn vào các tế bào người.

Thay vì chỉ lo sợ cho điều tồi tệ nhất, chúng ta nên tập trung phát triển các phản ứng hiệu quả phòng chống dịch Covid-19. (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, việc liên hệ các đột biến với dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng đòi hỏi phải có các cuộc điều tra thực nghiệm lâu dài và dịch tễ học nghiêm ngặt, điều đó không khả thi trong một đợt bùng phát bệnh. Trong khung thời gian có hạn này, các nhà khoa học chỉ có thể suy đoán về tác động của đột biến. Kết luận sơ bộ không nên bị hiểu sai là thực tế, gây mất tập trung, khiến cơ hội xây dựng các phản ứng bảo vệ hiệu quả sức khỏe cộng đồng bị mất đi.

Vì những lý do này, giữa một đợt bùng phát dịch bệnh, việc đưa ra những tuyên bố nào đó về mặt bản chất của virus có thể trở thành vô căn cứ và rất nguy hiểm. Chẳng hạn, một nghiên cứu đã gây tranh cãi lớn trong giới Y học về một đột biến của virus Zika - nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Năm 2018, khi dịch được phát hiện ở Ấn Độ, đã có tuyên bố rằng “virus đang lưu hành không chứa đột biến gây bệnh đầu nhỏ" nên nó không gây hại cho thai nhi. Sự hiểu lầm này về một đột biến của virus trong giai đoạn bùng phát bệnh có thể đã khiến các phụ nữ mang thai “bỏ qua” sự nguy hiểm của Zika, đây là một ảnh hưởng rất khó để định lượng.

Trở lại với "tuyên bố" rằng, Covid-19 đã biến đổi thành một dạng hung hăng hơn, có lẽ chỉ ám chỉ mặt học thuật, nhưng những “suy đoán được nhân bản” lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và các chính sách y tế công cộng. Để đối phó với các loại “bệnh dịch gây thông tin sai lệch” nhiều khi tốn kém không khác gì dịch bệnh gây ra bởi các virus thật.

Thay vì chỉ lo sợ cho điều tồi tệ nhất, chúng ta nên tập trung phát triển các phản ứng hiệu quả phòng chống dịch Covid-19. Truyền thông rõ ràng và minh bạch từ các nhà khoa học, các quan chức chính phủ sẽ là tối quan trọng trong việc giữ gìn niềm tin của công chúng và khuyến khích họ hợp tác với các khuyến nghị về sức khỏe cộng đồng. Các chính sách cần phải xem xét tới các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, chẳng hạn như người cao tuổi, những người có nguy cơ tử vong cao và bệnh nặng. Cải thiện cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong các cộng đồng mà hạ tầng y tế còn yếu, điều đó sẽ cho phép thử nghiệm chẩn đoán phát hiện bệnh kịp thời và tạo công bằng trong cộng đồng.

Nước Mỹ hiện ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm Covid-19 và 30 trường hợp tử vong. Đây mới là sự thật. Giới chuyên gia cho rằng, sự lây lan của SARS-CoV-2 tại nước này có thể đã được giảm nhẹ nếu có sự chuẩn bị tốt hơn và các giải pháp cục bộ được triển khai sớm. Bởi vậy, thay vì lo sợ virus đột biến, chúng ta hãy thực hiện quyết liệt các chính sách làm giảm sự lây lan nguy hiểm của dịch bệnh và quyết tâm dập dịch.