Tính đến ngày 25/1/2020, thế giới đã ghi nhận 1.300 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 41 trường hợp tử vong (đều tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). (Nguồn: AFP) |
Trước sự lây lan nhanh của bệnh, mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 23/1 cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để tuyên bố sự bùng phát dịch bệnh do virus corona mới tại Trung Quốc là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng”, song WHO cũng cảnh báo số ca nhiễm bệnh có thể gia tăng mạnh, nhất là khi nhiều yếu tố liên quan đến chủng virus này đến nay vẫn chưa được xác định.
Ghi nhận 1.300 trường hợp mắc bệnh
Dịch bệnh viêm phổi lạ bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) do virus corona gây ra từ cuối tháng 12/2019. Đây là căn bệnh gây ra bởi chủng virus hoàn toàn mới thuộc họ corona, hiện được đặt tên là 2019-nCoV. Virus này có thể truyền từ người sang người, có khả năng biến thể và lây bệnh trên quy mô lớn. Nhóm virus corona thường được tìm thấy ở chim và các động vật có vú. Trong lịch sử, một trong những chủng virus thuộc nhóm corona đã từng gây ra dịch bệnh như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), hay MERS (hội chứng hô hấp cấp Trung Đông)…
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã xác định những chủng virus corona từng gây ra dịch SARS và MERS không phải là chủng gây ra dịch viêm phổi lạ hiện nay tại Vũ Hán.
Theo thông tin cập nhật từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC Việt Nam), Cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế Việt Nam, đến ngày 25/1/2020, thế giới đã ghi nhận 1.300 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 41 trường hợp tử vong (đều tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Số ca mắc tăng 454 trường hợp so với ngày 24/1/2020.
Tới nay, dịch đã lây lan ra 30 tỉnh/thành ở Trung Quốc. Dịch bệnh lây lan khiến Trung Quốc phải phong tỏa 16 thành phố của tỉnh Hồ Bắc, dừng hoạt động các phương tiện giao thông ra, vào các thành phố. Ngoài ra, tất cả các sự kiện lớn mừng năm mới cũng dừng, không tổ chức. Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã nâng mức cảnh báo lên cao nhất…
Không chỉ diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, dịch đã lây lan sang nhiều nước trên thế giới và vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc, bao gồm: Đài Loan (Trung Quốc) (1 trường hợp), Ma Cao (Trung Quốc) (2), Hong Kong (Trung Quốc) (5), Thái Lan (5), Hàn Quốc (2), Việt Nam (2), Mỹ (2), Nhật Bản (1), Singapore (1), Pháp (2), Nepal (1), Australia (4), Malaysia (3).
Trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới, nhiều nước trên thế giới đã triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Các biện pháp soi sàng lọc đã được áp dụng tại các cửa khẩu biên giới như sân bay, hải cảng tại nhiều nước, trong đó có Lào, Bangladesh, Singapore, Malaysia, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bahrain, Uganda và Zambia… để phát hiện những người có biểu hiện nhiễm virus.
Chưa đủ điều điều kiện coi là “tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng toàn cầu”
Trước dịch bệnh nghiêm trọng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, vẫn đang điều tra về dịch bệnh. Ngày 23/1, WHO kết luận rằng hiện vẫn chưa đủ điều điều kiện để coi đây là “tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng toàn cầu” (PHEIC). WHO cho rằng dịch viêm phổi do chủng virus mới thuộc họ corona là “tình trạng khẩn cấp ở Trung Quốc” nhưng chưa trở thành mối lo ngại quốc tế, đồng thời cho biết WHO dự kiến sẽ tổ chức họp trở lại để đánh giá tình hình dịch trong khoảng 10 ngày tới.
Tuy nhiên, WHO cũng đã đưa ra một số khuyến cáo liên quan đến tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV để các nước đối phó với dịch lây lan.
Dưới đây là các khuyến cáo của WHO:
1. Nếu có các triệu chứng ho, sốt… bạn nên tránh đi lại hoặc đi du lịch nhằm tránh lây lan bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV)
- Tránh đi lại/du lịch nếu có các triệu chứng sốt, ho
- Đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng trên
- Chia sẻ lịch trình di chuyển với nhân viên y tế
2. Sử dụng khẩu trang đúng cách
- Khi ho/hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy, cuộn tròn và vứt khăn giấy vào thùng rác. Rửa sạch tay ngay lập tức.
- Khi sử dụng khẩu trang, đảm bảo khẩu trang che kín miệng và mũi - và tránh chạm vào khẩu trang khi đang sử dụng.
- Nếu sử dụng các loại khẩu trang dùng 1 lần, sau khi sử dụng cần loại bỏ ngay lập tức và rửa sạch tay sau khi bỏ khẩu trang.
3. Chủ động tìm đến cơ sở y tế nếu bạn bị ốm
- Nếu cảm thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch, HÃY thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt hoặc ô tô và tìm đến chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.
- Hãy chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.
4. Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh và giữ vệ sinh cá nhân
- Tránh tiếp xúc quá gần với người bị sốt/ho.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng, nước sạch; hoặc các loại nước rửa tay có chứa cồn.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
5. Một số lưu ý quan trọng khác:
- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín và đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã, dù là động vật sống, bị ốm hay đã chết…