📞

Virus corona: Sự sống và cái chết đối với các bác sỹ trong khoa chăm sóc đặc biệt ở Vũ Hán

QT. 21:30 | 11/02/2020
TGVN. Trong đại dịch virus corona, các bác sĩ ở tuyến đầu phải hiểu rõ tình hình và chấp nhận rủi ro lớn nhất. Bác sĩ Bành Chí Dũng, trưởng khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) tại Bệnh viện Trung Nam Đại học Vũ Hán, là một trong những bác sĩ đó.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm chủng mới virus corona tại bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, ngày 5/2. (Nguồn: EPA-EFE)

Trả lời phỏng vấn Caixin Global, bác sĩ Bành Chí Dũng - Trưởng khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) tại Bệnh viện Trung Nam Đại học Vũ Hán - đã chia sẻ về quá trình ông và các đồng nghiệp chiến đấu phòng, chống dịch do chủng mới của virus corona (nCoV), từ lúc tiếp nhận, điều trị cho ca bệnh đầu tiên cho đến thời điểm hiện tại. Đây là khoảng thời gian đầy khó khăn và nhiều lần khiến đội ngũ y, bác sỹ rơi nước mắt khi buộc phải quay lưng với bệnh nhân vì thiếu nhân viên và giường bệnh.

Dựa trên kinh nghiệm lâm sàng của ông, bệnh do nCoV tiến triển như thế nào?

Tôi đã dành thời gian ban ngày để thăm khám bệnh nhân ở ICU và thực hiện một số nghiên cứu vào ban đêm. Dựa trên dữ liệu của 138 trường hợp mà bệnh viện Trung Nam trong khoảng thời từ ngày 7-28/1 vừa qua, tôi đã cố gắng tóm tắt lại một số đặc trưng của chủng virus mới này.

Theo đó, thời gian bùng phát của nCoV có xu hướng là 3 tuần, từ khi xuất hiện các triệu chứng ban đầu cho đến tình trạng suy hô hấp. Về cơ bản đi từ các triệu chứng nhẹ đến nặng mất khoảng một tuần. Có rất nhiều biểu hiện nhẹ như: mệt mỏi, khó thở, có thể bị sốt.

Các triệu chứng phổ biến nhất trong giai đoạn đầu là sốt (98,6% trường hợp), yếu (69,6%), ho (59,4%), đau cơ (34,8%), khó thở (31,2%), trong khi các triệu chứng ít gặp hơn là đau đầu, chóng mặt, đau dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn, nôn.

Một số bệnh nhân bước vào tuần thứ hai sẽ đột nhiên trở nên nặng hơn. Ở giai đoạn này, mọi người nên đến bệnh viện. Những người cao tuổi và những trường hợp có bệnh nền (các bệnh có sẵn) có nguy cơ cao khiến bệnh trở nên nghiêm trọng. Trong khi đó, ở những người có hệ thống miễn dịch mạnh, các triệu chứng sẽ giảm nhẹ và dần dần hồi phục. Vì vậy, tuần thứ hai là thời gian quyết định liệu bệnh có trở nên nguy kịch hay không.

Đối với hầu hết các trường hợp, bệnh sẽ khỏi sau hai tuần điều trị, ngược lại, những người có sức đề kháng yếu, nếu họ có thể sống sót sau ba tuần, họ sẽ ổn.

Nguy cơ cao nhất mà bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng phải đối mặt là gì?

nCoV tấn công vào hệ thống miễn dịch của bệnh nhân. Nó gây ra sự sụt giảm số lượng tế bào lympho, tổn thương phổi và suy hô hấp. Nhiều bệnh nhân đã tử vong vì suy hô hấp. Những trường hợp khác chết vì suy đa tạng, các biến chứng trong các cơ quan bắt nguồn từ sự suy giảm của hệ thống miễn dịch.

Ông đã điều trị các trường hợp nghiêm trọng như thế nào?

Đối với những trường hợp nặng, phương pháp chính của chúng tôi là hỗ trợ thở oxy. Lúc đầu, bệnh nhân sẽ được thở bằng máy không xâm lấn, sau đó là oxy đặt nội khí quản nếu tình trạng xấu đi. Đối với các trường hợp đe dọa đến tính mạng, chúng tôi sử dụng Ecmo (oxy hóa màng ngoài cơ thể hoặc bơm máu của bệnh nhân thông qua máy phổi nhân tạo).

Hiện tại không có thuốc đặc trị cho chủng virus này. Mục đích chính của ICU là giúp bệnh nhân duy trì các chức năng của cơ thể. Các bệnh nhân khác nhau có các triệu chứng khác nhau, chúng tôi trị theo từng triệu chứng. Trong trường hợp khó thở, chúng tôi cung cấp oxy; trong trường hợp suy thận, chúng tôi lọc máu; trong trường hợp hôn mê, chúng tôi triển khai Ecmo…

Các nhân viên y tế tất bật làm việc tại bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Vũ Hán, ngày 5/2. (Nguồn: Reuters)

Một số nguồn tin cho rằng, một vài loại thuốc có tác dụng. Mọi người đang hy vọng về tác dụng của Remdesivir, loại thuốc kháng virus do Mỹ sản xuất đã được áp dụng và chữa khỏi cho trường hợp đầu tiên ở nước này. Ông nghĩ gì về các loại thuốc này?

Cho đến nay chưa có loại thuốc nào đặc trị cho căn bệnh này. Một số bệnh nhân có thể phục hồi sau khi dùng một số loại thuốc cùng với điều trị hỗ trợ. Nhưng những trường hợp riêng lẻ như vậy không chứng minh được tác dụng phổ quát của thuốc. Kết quả điều trị cũng liên quan đến mức độ nghiêm trọng của từng ca và tình trạng sức khỏe của từng cá nhân. Việc mọi người muốn chữa trị một cách nhanh chóng là điều dễ hiểu nhưng chúng ta cần thận trọng.

Ông có lời khuyên nào cho bệnh nhân nhiễm virus nCoV không?

Cách tiếp cận hiệu quả nhất đối với đại dịch này là kiểm soát nguồn bệnh, ngăn chặn sự lây lan của virus. Những trường hợp bị nghi nhiễm phải đến khám tại cơ sở y tế để được phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, cách ly sớm và điều trị sớm.

Một khi bệnh đã chuyển biến nặng, ngay lập tức phải nhập viện. Thời gian “vàng” để chữa trị là giai đoạn đầu, một khi nó đạt đến giai đoạn nghiêm trọng, việc điều trị sẽ khó khăn hơn và đòi hỏi nhiều nguồn lực y tế hơn.

Khối lượng công việc của ông như thế nào?

Công việc trong Khoa chăm sóc đặc biệt bị quá tải. Có ba khu vực bệnh nhân với 66 giường trong Bệnh viện Trung Nam. Từ ngày 7/1, khi chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên, không ai được nghỉ phép. Chúng tôi thay phiên nhau làm việc trong ICU. Ngay cả nhân viên y tế mang thai cũng không nghỉ phép. Khi dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn, không một nhân viên y tế nào về nhà. Chúng tôi nghỉ ngơi trong một khách sạn gần bệnh viện hoặc ngay tại bệnh viện.

Trong khu vực cách ly, chúng tôi mặc đồ bảo hộ 3 lớp. Mỗi ca làm việc của bác sỹ là 12 giờ và y tá là 8 giờ. Vì thiếu trang thiết bị bảo hộ, mỗi ngày, mỗi nhân viên y tế chỉ được phát một bộ. Chúng tôi không ăn hoặc uống trong ca làm việc của mình vì trang phục bảo hộ không còn tác dụng một khi chúng tôi đi vào nhà vệ sinh. Lúc mới dùng, trang phục này khiến tạo cảm giác không thoải mái do chúng dày, kín khí và cứng, ép vào cơ thể, nhưng giờ chúng tôi đã quen rồi.

Điều gì khiến ông đặc biệt xúc động? Ông đã từng khóc chưa?

Tôi thường khóc vì rất nhiều bệnh nhân không thể nhập viện, họ khóc lóc trước bệnh viện. Một số bệnh nhân thậm chí quỳ xuống cầu xin chúng tôi cho nhập viện, nhưng tôi không thể làm gì vì tất cả các giường đều đã đầy chỗ. Tôi đã cạn nước mắt mất rồi. Không thể suy nghĩ gì thêm ngoài việc cố gắng hết sức để cứu nhiều mạng sống hơn.

Điều đáng tiếc nhất với tôi là một phụ nữ mang thai từ Hoàng Cương, cô ấy ở trong tình trạng rất nghiêm trọng. Gia đình cô ấy đã phải chi trả 200.000 nhân dân tệ (gần 28,7 nghìn USD) sau hơn một tuần ở Phòng chăm sóc đặc biệt. Cô ấy đến từ nông thôn và tiền nhập viện phải vay từ người thân và bạn bè của cô ấy.

Tình trạng của bệnh nhân này đã được cải thiện sau khi sử dụng Ecmo và cô ấy có nhiều khả năng sống sót. Nhưng chồng cô ấy đã buộc phải từ bỏ vì không còn khả năng chi trả, anh ấy đã rất đau khổ và tuyệt vọng khi đi đến quyết định đó.

Tôi cũng khóc vì bất lực trước hoàn cảnh đó. Người phụ nữ ấy đã chết sau khi chúng tôi bỏ cuộc. Ngay ngày hôm sau, chính phủ đã thông báo điều trị miễn phí cho tất cả các bệnh nhân bị nhiễm virus corona. Tôi cảm thấy rất tiếc cho người phụ nữ mang thai đó.

Phó Trưởng Khoa của chúng tôi cũng bật khóc khi kể về Bệnh viện Vũ Hán số 7, đơn vị hợp tác với bệnh viện của chúng tôi. Anh ấy đã đến đó để giúp đỡ trong Phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện này, 2/3 trong số nhân viên y tế ở đó đã bị nhiễm bệnh.

Điều thực sự đau lòng là phần lớn các bác sỹ, y tá của chúng tôi đều bị nhiễm bệnh do thiếu thiết bị bảo hộ. Tuy nhiên, bất chấp các nguy cơ, họ vẫn miệt mài cống hiến để có thể cứu chữa cho nhiều bệnh nhân.

(theo Straitstimes)