Nhỏ Bình thường Lớn

Visa không phải là nút thắt của du lịch

Mấy ngày qua, sau Hội nghị "Các giải pháp cấp bách thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển", nhiều ý kiến của những người làm du lịch cho rằng visa là rào cản chính của sụt giảm khách quốc tế đến Việt Nam và việc miễn visa sẽ trở thành đòn bẩy cho việc phục hồi thị trường du lịch.
visa khong phai la nut that cua du lich
Ảnh minh họa.

 

Như mọi người đều biết, từ 1/4/2015, Việt Nam áp dụng quy định xuất nhập cảnh và lưu trú mới cho bảy quốc gia mà Việt Nam đơn phương miễn visa 15 ngày lưu trú. Thay vì cứ nhập cảnh 15 ngày rồi lại xuất cảnh, rồi lại nhập cảnh 15 ngày không visa thì họ phải tuân thủ hai lần nhập cảnh miễn visa phải cách nhau ít nhất 30 ngày, không cho phép gia hạn lưu trú tại Việt Nam.

Quy định này được đưa ra nhằm chống lưu trú bất hợp pháp, cụ thể hơn là chống lao động bất hợp pháp tại Việt Nam. Trước đây, cho đến trước 1/4/2015, ngành du lịch tính tất cả khách nhập cảnh 15 ngày không visa là khách du lịch. Kỳ thực, không phải vậy. Khách thường vào làm việc ngắn hạn, dự hội nghị đi theo hình thức không visa 15 ngày rất nhiều, nhưng họ không phải là khách du lịch. Con số này phải chiếm tới 30-40% số khách nhập cảnh không visa. Từ khi có quy định mới, những người đi công tác ngắn hạn (trên 15 ngày) buộc phải xin visa vì họ không thể xin gia hạn lưu trú tại chỗ (Việt Nam), còn khách du lịch thì vẫn đi 15 ngày không visa. Tự bản thân con số thông kê nói lên bản chất của vấn đề.

Còn vấn đề của du lịch Việt Nam không đơn giản là nhìn con số tăng hay giảm. Một lúc nào đó, khách có thể nhiều, nhưng thật hiếm người quay lại. Chẳng hạn như khách Hàn Quốc vào Việt Nam, họ không quan tâm đến vấn đề có phí hay không phí visa bởi họ trả trọn gói cho công ty du lịch. Cái họ quan tâm là họ được hưởng gì trong chuyến du lịch Việt.

Ở Hàn Quốc có cái cung Vua, giờ chỉ còn là mấy cái nhà nhưng họ có thuyết minh bằng chữ rất kỹ, ít nhất, nhìn cũng biết nó là nơi nào, là cái gì... Hàng ngày, họ cho thanh niên mặc đồ binh lính xưa rồi thực hiện canh gác và đổi gác theo nghi lễ nghiêm ngặt... Khách nào đến cũng háo hức, chụp ảnh thoải mái. Các anh lính cười tươi dù ngoài trời nắng như thiêu như đốt.

Còn ở Việt Nam tuy có nhiều cảnh đẹp, nhiều lễ hội nhưng khá tẻ nhạt. Vào Văn Miếu, xem bia, rồi nghe đàn dân tộc. Và, chấm hết. Khách không hình dung được cuộc sống ở Văn Miếu xưa kia thế nào vì không có hoạt động mô phỏng. Tương tự ở cung đình Huế... Có thể tóm lại một câu: Du lịch Việt Nam thiếu chuyên nghiệp.

Lại nói về visa, visa là cái chủ quyền và nó ra đời phục vụ nhiều mục đích, trong đó, nổi bật nhất là việc giữ an ninh nội địa để ít nhất, Việt Nam không trở thành nơi ẩn náu của giang hồ quốc tế. Những nước vẫn cố thủ chuyện thị thực thì thực tế là ngành du lịch của họ vẫn chẳng bị ảnh hưởng gì. Khách vẫn lũ lượt kéo đến dù phải trả phí visa không nhỏ.

Tóm lại, sự chuyên nghiệp, chu đáo, sạch sẽ mới là ấn tượng cho hình ảnh một đất nước. Người ta sẵn sàng chi tiền để vào với tư cách là một thượng đế thực thụ, được hưởng mọi dịch vụ chu đáo, ân cần, được sống trong môi trường an toàn, thoải mái hơn là vào nhà nghỉ miễn phí mà mọi thứ đều nhộm nhoạm. Vịnh Hạ Long hay Sơn Đoòng cũng không cứu vãn được nếu vẫn nhộm nhoạm thế.

Dương Phương Anh (Seoul, Hàn Quốc)