Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp (đứng hàng đầu, ngoài cùng bên trái) và Chủ tịch Hồ Chí Minh (hàng đầu, đứng giữa) trong lần ra mắt Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tháng 9/1945. Ảnh: tư liệu |
Võ Nguyên Giáp là "nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người chiến sĩ cách mạng kiên trung; vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Nhưng trước khi làm tướng, ông có thời kỳ hoạt động oanh liệt, gắn liền với quá trình phát triển đặc biệt của lịch sử dân tộc từ Cách mạng tháng Tám đến buổi đầu xây dựng, bảo vệ nền dân chủ cộng hòa non trẻ Việt Nam.
Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng và truyền đi Thư kêu gọi nhân dân cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Ngay chiều 16/8/1945, người phụ trách Việt Nam Giải phóng quân, thành viên Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, thực hiện Quân lệnh số 1, Ủy viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Võ Nguyên Giáp làm lễ xuất quân, tiến về giải phóng tỉnh lỵ Thái Nguyên, mở đầu cho cuộc vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau Tổng khởi nghĩa, Ủy ban dân tộc giải phóng “quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sỹ tham gia Chính phủ”. Theo Tuyên cáo ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, có 13 bộ gồm những người của nhiều tổ chức đoàn thể và không đoàn thể nắm giữ các cương vị trọng trách trong Chính phủ; ông Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Bộ này giữ vai trò như “Bộ tham mưu” cho Chính phủ, Bộ trưởng - Cử nhân luật Võ Nguyên Giáp định hình ngay những trọng trách, qua đó cũng định hướng chức năng chính của Bộ Nội vụ trong buổi đầu xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa.
Trong ngày lễ Độc lập (2/9/1945), Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời phác họa những công việc trước mắt: triệu tập Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ để có Hiến pháp, công việc nội trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, hành chính, văn hóa, cứu tế...
Vì thế ngày hôm sau (3/9/1945) trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhanh chóng đề ra 6 nhiệm vụ “cấp bách hơn cả”; mở ra quá trình xây dựng nền dân chủ cộng hòa trên các lĩnh vực chính yếu với phong cách: “vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trên chiếc xe đến Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945. (Ảnh: Võ An Ninh) |
Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp dự các hoạt động của Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, trực tiếp nắm bắt tình hình và tham mưu cho chính phủ. Trong cuộc làm việc với Việt Quốc, Việt Cách (ngày 18-19/9/1945), Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép, đã lập tức phản ứng nhanh và kiên quyết không chấp nhận việc các đảng phái này muốn hợp nhất với Việt Minh, bác bỏ và vạch trần thủ đoạn các đề xuất giả tạo ấy.
Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp tham mưu và đề xuất cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành những quyết sách của Chính phủ (về thành lập các bộ, cơ quan trong bộ máy nhà nước, kiện toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương; trấn áp bọn nội phản; về quốc tịch và các thủ tục thị thực giấy tờ quản lý cư dân; lập Ban thanh tra, Toà án đặc biệt…).
Ông cũng tư vấn, đề xuất và tiếp ký với Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều sắc lệnh quan trọng (Về thể lệ Tổng tuyển cử và đổi ngày bầu cử; bãi bỏ các công sở, cơ quan thuộc phủ toàn quyền Đông Dương ở Việt Nam; cử ông Vĩnh Thuỵ làm cố vấn Chính phủ; cho phép các Công ty và các hãng ngoại quốc tiếp tục công việc doanh nghiệp, cấm xuất cảng thóc, gạo, ngô, đỗ, hoặc các chế phẩm từ ngũ cốc…).
Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quyền ký và ban hành nhiều sắc lệnh tiêu biểu (Về ấn định thời hạn và thể lệ tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội, quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tổ chức nội vụ, thiết quân luật ngày Lễ Độc lập; giải tán các tổ chức có phương hại đến nền độc lập Việt Nam; lập “Quỹ độc lập”; tự do buôn bán và chuyên chở thóc gạo, bãi bỏ thuế thân; đặt Bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam và bắt buộc học chữ quốc ngữ; không được xâm phạm đến đền chùa, lăng tẩm, nhà thờ, các cơ sở tôn giáo…).
Thực hiện trách nhiệm đôn đốc các bộ, ban, ngành, ủy ban hoạt động phối hợp trong các nhiệm vụ được phân công; Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp phụ trách thi hành sắc lệnh về thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp, trong hơn 2 tháng đã cùng Ủy ban trình Dự thảo đầu tiên bản Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để lấy ý kiến nhân dân.
Tại Hội nghị Đà Lạt (tháng 4-5/1946), Phó đoàn Võ Nguyên Giáp thay mặt cho Trưởng đoàn ứng xử khôn khéo, cứng rắn, kiên quyết trong các buổi họp. Ngay từ đầu đã yêu cầu phải ghi vào chương trình nghị sự việc ngừng bắn ở Nam bộ; kiên quyết bác bỏ việc nêu vấn đề Liên bang Đông Dương với “tuyên bố kết liễu thời đại của các quan toàn quyền”; vạch trần âm mưu tách Nam bộ ra khỏi Việt Nam với khẳng định: “Ngày nào Nam bộ còn bị tách khỏi Việt Nam thì ngày ấy mỗi người dân Việt Nam còn không ngừng dốc hết nghị lực của mình vào cuộc đấu tranh để đưa Nam bộ trở về trong lòng Tổ quốc”.
Để đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, phá tan các âm mưu và hoạt động chống phá của kẻ thù, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo thống nhất tổ chức, nhiệm vụ và bổ sung cán bộ, củng cố lực lượng Công an trong cả nước, đặc biệt là Hà Nội.
Thực hiện phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” theo cách thức “việc lớn cần bóp nhỏ lại, việc nhỏ không cho phát triển thành lớn”, ông trực tiếp chỉ đạo Nha Công an thận trọng, khôn khéo và kiên quyết trấn áp lực lượng phản cách mạng ở phố Ôn Như Hầu (tháng 7/1946) “phá được cuộc đảo chính, lại tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân”.
Thấu hiểu cách xử lý thế nước “Ngàn cân treo sợi tóc” phải nhân nhượng với kẻ thù nhằm kéo dài thời gian hòa hoãn, chuẩn bị cho kháng chiến, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đáp đúng câu hỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhảy qua cái bục trước mặt thì cần phải lấy đà.
Được phân công phụ trách công tác quân sự, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp nêu rõ nhiệm vụ cần kíp phải bảo vệ Thủ đô, dùng biện pháp tác chiến tránh tung lực lượng vào những trận chiến lớn mà chủ trương gây khó khăn cho địch bằng nhiều chiến thắng nhỏ; đặt ra yêu cầu "Luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống bất ngờ xảy ra".
Am hiểu và nắm rõ thực lực cách mạng, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp trả lời đầy đủ những câu hỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khả năng “Nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc” thì Hà Nội “Có thể giữ được một tháng”, “Các thành phố khác thì ít khó khăn hơn”, còn “Vùng nông thôn ta nhất định giữ được”. Đó cũng là căn cứ chắc chắn để Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946).
Ngay khi Hịch truyền Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ban ra, lúc 21 giờ ngày 19/12/1946, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp “nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng [đã] hạ lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc quân và Dân quân Tự vệ Trung - Nam - Bắc phải: Nhất tề đứng dậy, Xông tới mặt trận, Giết giặc cứu nước”.
Tại Việt Bắc, thực hiện Chỉ thị: “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp triển khai thế trận “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, kết hợp “du kích chiến” với “vận động chiến”, đánh vào điểm yếu chí tử của quân Pháp là công tác hậu cần; bố trí cùng lúc lực lượng trên 3 mặt trận (đường bộ, đường sông, tại nơi địch nhảy dù) để đón đánh địch.
Chiến dịch Thu đông 1947 đã phá tan “cuộc tiến công mang nhiều tham vọng nhất” của tướng Raoul Salan; bảo vệ vững chắc căn cứ địa, chuyển cuộc kháng chiến trường kỳ sang thế chiến lược mới vững chắc.
Như thế, chính sự định hướng, dìu dắt, giao nhiệm vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát lộ những thiên bẩm và tư duy chiến lược tài tình của Võ Nguyên Giáp và đóng góp cho sự nghiệp cách mạng.
Từ việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở Cao - Bắc - Lạng (1942), đến phụ trách Ban Xung phong Nam tiến (1943), thành lập “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” (1944); từ tổ chức lễ thống nhất “Việt Nam Giải phóng quân” (5/1945), đến thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời khu giải phóng Việt Bắc (6/1945)... đều được Võ Nguyên Giáp hoàn thành xuất sắc.
Ông cũng là người tiếp thu ý chí quyết tâm của lãnh tụ Hồ Chí Minh “dù hy sinh đến đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập!” chuyển thành hành động thực tiễn khi thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ký Quân lệnh số 1 (lúc 23 giờ ngày 13/8/1945) truyền lệnh Tổng khởi nghĩa đi khắp nơi trong cả nước.
Vậy nên khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa ra đời, có ngay một Võ Nguyên Giáp “Bí thư Đảng đoàn Chính phủ, đặc trách công tác quân sự, về chính quyền là Bộ trưởng Bộ Nội vụ [để] trực tiếp giúp Bác Hồ các công việc” của Chính phủ.
Vậy nên năm 1948, bước vào tuổi 37, vị Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nhân danh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sỹ, làm trọn sứ mệnh mà quốc dân phó thác”.
*Tác giả PGS. TS. Hà Minh Hồng thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.