📞

Võ Văn Sung - một nhà ngoại giao kỳ cựu, từng trải

22:39 | 03/05/2018
Một trong những nhà ngoại giao kỳ cựu từng được chứng kiến và đóng góp vào nhiều sự kiện lịch sử trong nền ngoại giao nước nhà là anh Võ Văn Sung đã ra đi, để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong lòng bạn bè, đồng nghiệp.

Khi từ Đại sứ quán nước ta tại Moscow về Bộ năm 1956, cá nhân tôi, một cán bộ tập tọe vào nghề, rất ngưỡng mộ các bậc đàn anh được huy động từ các cơ quan dân - chính - Đảng thuộc mọi miền đất nước vào làm việc trong ngành ngoại giao, trong đó có anh Võ Văn Sung, một người con xứ Quảng hoạt động ở miền Trung tập kết ra Bắc sau khi Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954.

Đại sứ Võ Văn Sung trả lời báo chí tại Paris năm 1975.

Thực tình mà nói, trong những năm 50 - 60 tôi ít có dịp làm việc với anh Sung vì hai người làm việc trong hai lĩnh vực khác nhau: tôi chuyên làm việc trong lĩnh vực quan hệ với Liên Xô - Đông Âu, còn anh Sung lại là một chuyên gia chuyên trách mảng quan hệ với Tây Âu, nhất là Pháp.

Trong con mắt của tôi, những người làm việc trong lĩnh vực này thường thuộc loại “quý tộc”, có học vấn cao, tiếng Tây lầu lầu. Quả thực, anh Sung là một trong những cán bộ như vậy. Có thể nói, Anh là một chuyên gia thành thạo hàng đầu về Tây Âu, nhất là Pháp, từng lăn lộn trong lĩnh vực này hơn ¼ thế kỷ: từ năm 1956 tới tận đầu những năm 80, khi thì ở trong nước trên cương vị một trong những cán bộ quản lý trong Vụ Tây Âu, khi thì ở Paris trên cương vị Bí thư thứ nhất Cơ quan Tổng đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp (1961 - 1967) sau được cử làm người đứng đầu cơ quan này (1971 - 1973) và khi hai nước kiến lập quan hệ ngoại giao thì anh là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước ta tại Pháp (1974 - 1981).

Cuối những năm 60, đầu những năm 70 công việc của tôi mới nhích gần với công việc của anh Sung, nhờ vậy tôi có điều kiện hợp tác với anh nhiều hơn. Số là, lúc đó anh Sung được huy động tham gia vào một công việc rất hệ trọng là tham gia nhóm giúp việc cho Bộ Chính trị trong việc chuẩn bị cho cuộc hòa đàm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, còn tôi được điều động vào nhớm nghiên cứu chiến lược của các nước lớn để phục vụ cho việc trên cũng do đồng chí Nguyễn Cơ Thạch phụ trách.

Chiều 15/7/2011, tham dự buổi lễ trao Huân chương cho ông Võ Văn Sung có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng cùng đại diện các Bộ, ngành…

Thế rồi, năm 1971, anh được cử làm Tổng đại diện ở Paris và ở đây anh đã có nhiều đóng góp lớn lao không những vào quá trình thiết lập và thúc đẩy quan hệ hợp tác với một trong những nước lớn trên thế giới là Cộng hòa Pháp mà cả vào một sự kiện ngoại giao lớn nhất của nước ta là cuộc hòa đàm kéo dài  suốt 5 năm trời (1968 - 1973), đưa tới việc ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Khi được đi theo đoàn Chính phủ ta sang ký Hiệp định và dự Hội nghị quốc tế về Việt Nam tôi đã được chứng kiến những hoạt động rất sôi nổi, đầy năng động của anh với chính quyền và bạn bè Pháp cũng như bà con kiều bào Việt Nam ở Pháp và bạn bè quốc tế, hỗ trợ rất nhiều cho đoàn đàm phán và đoàn Chính phủ ta, góp phần quan trọng vào thắng lợi lịch sử về ngoại giao của nước ta.

Thế rồi số phận đưa đẩy, tới giữa những năm 80 con đường hoạt động của hai anh em chúng tôi nhập vào nhau: tôi được cử làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, còn anh Sung với tư cách Trợ lý Bộ trưởng phụ trách công tác kinh tế của Bộ. Lúc này, theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao đặt cao nhiệm vụ “ngọai giao làm kinh tế”, tức là phục vụ trực tiếp cho công cuộc đổi mới về kinh tế và mở cửa. Lần mò trên con đường “chưa có vết chân người” đó tôi đã cảm nhận rất rõ lòng hăng say và tinh thần đổi mới của anh Sung trong công việc mới mẻ và đầy khó khăn, thách thức này. Tận dụng lợi thế về mối quan hệ rộng rãi với nhiều chuyên gia phương Tây và bà con Việt kiều, anh đã tiếp thu có chọn lọc nhiều kiến thức, nhiều ý tưởng hay để đóng góp cho trong nước.

Ngày 20/10/2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho đồng chí Võ Văn Sung, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tới năm 1988 anh được cử làm Đại sứ tại Nhật Bản - nước mà anh được giao nhiệm vụ kiến lập quan hệ ngoại giao năm 1973 khi anh làm Đại sứ ở Pháp. Lúc này, trên cương vị Trợ lý Bộ trưởng, sau đó là Thứ trưởng phụ trách quan hệ với các nước châu Á - Thái Bình Dương tôi lại có dịp trực tiếp hợp tác với anh và được tận hưởng sự nhiệt tình của anh trong việc thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật, nhất là về kinh tế, trong đó có việc tranh thủ vốn ODA của nước này - một nguồn lực hết sức quý báu đối với nước ta.

Vĩnh biệt anh, chúng tôi, nhũng cán bộ lâu năm trong ngành ngoại giao mãi mãi ghi nhớ những đóng góp quý báu của anh cho ngành và cho đất nước, luôn luôn đánh giá cao kho tàng tri thức và kinh nghiệm cũng như bầu nhiệt huyết của anh trong công việc.