📞

Với người Ấn Độ, 'giấc mơ Canada' đang lấn át 'giấc mơ Mỹ'?

Mai Anh 10:57 | 09/03/2022
Canada đang dần trở thành một điểm đến phổ biến với người Ấn Độ muốn đi du học hoặc tìm kiếm việc làm.
Với người Ấn Độ, Canada giờ đáng được chú ý hơn Mỹ. (Nguồn: Economic TImes)

Theo khảo sát mới công bố của Quỹ quốc gia về chính sách Mỹ (NFAP), số lượng người Ấn Độ trở thành thường trú nhân tại Canada tăng 115% trong giai đoạn 2016-2021.

Lượng sinh viên Ấn Độ theo học các chương trình thạc sĩ ngành khoa học và kỹ thuật của Mỹ giảm gần 40% từ niên học 2016-17 đến niên học 2019-2020. Trong khi đó, lượng người Ấn nhập học tại các trường cao đẳng và đại học Canada lại tăng mạnh - 182% từ năm 2016 đến năm 2019.

Ngoài ra, khảo sát cũng cho thấy, sinh viên quốc tế đăng ký du học tại các trường đại học Mỹ năm 2016-2019 giảm 7%, nhưng đối với cao đẳng và đại học Canada tăng 52%.

Điều này cho thấy sinh viên quốc tế tại Canada sau khi tốt nghiệp sẽ nhận được thị thực làm việc tạm thời và thẻ thường trú nhân dễ hơn nhiều so với Mỹ.

Ông Stuart Anderson, Giám đốc điều hành NFAP cũng đồng tình với điều đó.

Theo ông Peter Rekai, người sáng lập công ty luật nhập cư Rekai LLP: “Phần lớn nhân viên công nghệ trẻ Ấn Độ gặp khó khăn trong việc xin và gia hạn thị thực H-1B tại Mỹ. Do đó, họ chuyển hướng sang Canada và Canada đang hưởng lợi từ điều đó”.

Chính phủ Canada đang nỗ lực giúp các nhà tuyển dụng ngày càng dễ dàng thu hút và giữ chân nhân tài.

Với chính sách mở rộng chương trình nhập cư cho số lượng dân thường trú mới, đồng nghĩa với việc sinh viên Ấn Độ có nhiều cơ hội ở lại hơn sau khi tốt nghiệp đại học.

Mục tiêu của chính phủ Canada nêu trong Kế hoạch nhập cư 2022-2024 là chào đón 431.645 dân thường trú vào năm 2022, 447.055 vào năm 2023 và 451.000 vào năm 2024.

Riêng năm 2021, đã có 405.000 người nước ngoài trở thành công dân thường trú tại Canada, con số cao nhất trong lịch sử.

Trong khi đó, tại Mỹ, thị thực H-1B vốn là đích ngắm thực tế duy nhất của công dân nước ngoài nếu muốn làm việc lâu dài tại Mỹ.

Tuy nhiên, việc hạn chế về số lượng thị thực làm việc tạm thời là nguyên nhân làm nản lòng các ứng viên muốn nộp hồ sơ.