Thời gian phục hồi này lâu là do tỷ lệ sinh sản chậm của loài voi, một nghiên cứu được công bố ngày 31/8 trên tạp chí Sinh học ứng dụng (Journal of Applied Ecology) của Mỹ.
Nghiên cứu của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã New York dựa trên phân tích về số lượng các con voi, vốn rất khó thống kê đó do chúng sống ở những khu rừng rất xa xôi và khó tiếp cận.
Dầu vậy, những cánh rừng rậm nhiệt đới xa xôi nơi loài voi sinh sống cũng không ngăn cản được những kẻ săn trộm, những kẻ đã làm giảm dân số của loài voi một cách đáng kinh ngạc: giảm tới 65% từ năm 2002 tính đến nay. Việc săn bắn lấy ngà này nhằm đáp ứng nhu cầu "nóng" về ngà voi ở Trung Quốc và các nền kinh tế đang phát triển nhanh khác ở châu Á.
Một gia đình voi sống ở Vườn quốc gia thủ đô Nairobi, Kenya. (Nguồn: Reuters) |
"Số voi đã giảm xuống nhiều, hiện nay còn không tới 70.000 con" – ông Peter Wrege đến từ trường Đại học Cornell, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết.
"Để phục hồi dân số đàn voi như thời điểm trước năm 2002 là khoảng 100.000 con, dựa trên tỷ lệ sinh của chúng, có thể phải mất gần một thế kỷ” - ông Wrege nói.
Loài voi rừng được các nhà sinh học coi như là một "loài trọng điểm" do chúng đóng một vai trò rất quan trọng trong sự bền vững của hệ sinh thái rừng của châu Phi, nghiên cứu này cho biết.
Sự sinh trưởng của nhiều loài thực vật phụ thuộc vào voi, do voi giúp phân tán hạt giống của thực vật mà chúng ăn. Những khoảng trống do voi để lại sau khi đi qua và sau khi ăn cũng tạo ra những con đường mòn trong thảm thực vật dày, điều này có lợi cho các động vật nhỏ hơn, nghiên cứu cho biết.
"Cấu trúc của rừng sẽ thay đổi nếu không có những con voi làm việc gieo hạt này" - ông Wrege nói.
"Sức khỏe" của các khu rừng nhiệt đới châu Phi cũng sẽ có những tác động trên phạm vi toàn cầu do những cánh rừng này là vùng hấp thụ khí carbonic lớn thứ hai của hành tinh (sau rừng rậm Amazon ở châu Mỹ) giúp làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu.