📞

Với sự ủng của EU và Mỹ, hành lang viện trợ trên biển Cyprus-Gaza sắp thành hiện thực?

Tường Vy 19:19 | 10/03/2024
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen xác nhận trong chuyến thăm cảng Larnaca hôm 8/3 rằng Liên minh châu Âu đang ủng hộ một hành lang hàng hải cho phép viện trợ được vận chuyển từ Cyprus đến bờ biển Gaza.
Tổng thống Cyprus Nikos Christodoulides (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (phải) bắt tay tại dinh tổng thống ở Nicosia, ngày 8/3/2024. (Nguồn: AFP)

Tìm lối thoát khỏi bế tắc

Sáng kiến do Cyprus khởi xướng, có tên là Amalthea, được Mỹ, Anh và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất ủng hộ.

Hành lang này sẽ cho phép tăng cường vận chuyển viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza, vốn đã bị hạn chế nghiêm trọng bởi các tuyến đường bộ do Israel kiểm soát kể từ khi xung đột bùng nổ. Sáng kiến đưa ra trong bối cảnh có nhiều cảnh báo về một thảm họa nhân đạo ở Gaza, nơi một bộ phận dân chúng đang phải đối mặt với nạn đói.

Phát biểu tại Larnaca, trên bờ biển phía nam đảo Cyprus, bà Ursula von der Leyen nói rằng các nhà lãnh đạo EU cũng có thể xem xét các lựa chọn khác, bao gồm thả hàng hóa nhân đạo xuống Gaza bằng máy bay, dưới sự dẫn dắt của Mỹ.

EU đã cam kết viện trợ 250 triệu Euro cho người Palestine trong năm 2024.

Theo tờ Independent, một con tàu đã khởi hành vào sáng nay, ngày 10/3, xuất phát từ cảng của Cyprus, “mang theo thiết bị đầu tiên để thiết lập một bến tàu tạm thời nhằm cung cấp các nguồn cung cấp nhân đạo quan trọng”, Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ (Centcom) cho biết trong một tuyên bố vào sáng sớm 10/3.

Bà Von der Leyen cho biết chương trình là một phần trong mối quan hệ hợp tác với tổ chức từ thiện World Central Kitchen có trụ sở tại Mỹ, do đầu bếp nổi tiếng José Andrés thành lập, chuyên cung cấp thực phẩm cho những người dân đang gặp khủng hoảng.

Các hoạt động diễn ra chỉ một thời gian ngắn sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hàng năm rằng quân đội Mỹ sẽ dẫn đầu một “sứ mệnh khẩn cấp” nhằm thiết lập một “cảng tạm thời” trên bờ biển Gaza để tăng cường cung cấp viện trợ nhân đạo.

Tổng thống Biden cho biết, sẽ "không có sự can thiệp của Mỹ trên mặt đất" trong quá trình xây dựng cảng, nhưng nó thể hiện một sự thay đổi quan trọng trong sự can thiệp của chính quyền Mỹ vào cuộc khủng hoảng Gaza.

Vai trò dẫn dắt của Mỹ

Kế hoạch mở hành lang hàng hải vào Gaza lần đầu tiên được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố vào cuối tháng 10/2023.

Nhưng một nhà ngoại giao cấp cao của Cyprus nói rằng kế hoạch này không thành hiện thực nếu không có sự can thiệp của Mỹ - với sức mạnh ngoại giao của mình có thể thuyết phục Israel cho phép sử dụng bờ biển Gaza cho mục đích nhân đạo.

Trong bài phát biểu ngày 7/3, Tổng thống Biden chỉ trích lãnh đạo Israel vì đã hạn chế dòng viện trợ và không bảo vệ những nhân viên cứu trợ. Nhiều nhân viên cứu trợ đã phải tạm dừng chuyển hàng viện trợ ở phía bắc Gaza do sự hỗn loạn xảy ra khi người Palestine cố gắng tiếp cận đoàn xe viện trợ.

Đề xuất ban đầu về một hành lang trên biển, do Tổng thống Cyprus Nikos Christodoulides ủng hộ và trình bày với các nhà lãnh đạo EU ở Brussels từ tháng 10/2023, đã bị đình trệ do không có cảng hoạt động trên bờ biển dài 40 km của Gaza.

Cyprus nằm ở biển Địa Trung Hải, cách Gaza khoảng 400km về phía Bắc. Bà Von der Leyen cho rằng việc Cyprus tham gia hành lang hàng hải thể hiện "vai trò lịch sử" của nước này là "cầu nối giữa châu Âu và Trung Đông".

Theo nhà ngoại giao cấp cao của Cyprus, một con tàu do Anh điều hành có khả năng dỡ hàng mà không cần cảng thực tế có thể được sử dụng như một phần của hành lang.

Kể từ khi cuộc chiến chống lại Hamas bùng nổ, Israel đã yêu cầu tất cả hàng hóa vào Gaza phải được kiểm tra để đảm bảo không có vật liệu nào có thể được Hamas tái sử dụng cho mục đích quân sự vào vùng đất này.

Hiện chưa có những tính toán cụ thể việc khi nào hàng viện trợ thông qua hành lang viện trên biển Cyprus-Gaza tới được người dân Gaza trong điều kiện việc thiết lập cảng biển tạm mới ở giai đoạn đầu và có thể mất nhiều tháng để hoàn thành.

(theo Euronews)