📞

Vòng đàm phán đầu năm về tái thống nhất đảo Cyprus

17:28 | 09/01/2017
Ngày 9/1, lãnh đạo hai miền đảo Cyprus nối lại các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ nhằm tái thống nhất hòn đảo bị chia cắt hơn 40 năm qua.

Đặc phái viên LHQ về tái thống nhất đảo Cyprus, ông Espen Barth Eide tiếp tục đóng vai trò trung gian trong các cuộc gặp tại Geneva (Thụy Sỹ) giữa Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades - đại diện cho cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp, và ông Mustafa Akinci - lãnh đạo cộng đồng Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là hai nhà lãnh đạo ủng hộ mạnh mẽ nhất cho các nỗ lực tái thống nhất đảo Cyprus trong quá trình đàm phán kéo dài 18 tháng qua.

Tuy nhiên, trước thềm cuộc gặp, cả hai đều thừa nhận vẫn còn những vấn đề then chốt cần phải giải quyết, đồng nghĩa với triển vọng mong manh về việc kết thúc một trong những cuộc tranh chấp địa chính trị dai dẳng nhất trên thế giới.

Đặc phái viên LHQ về tái thống nhất đảo Cyprus, ông Espen Barth Eide (giữa) cùng đại diện các bên tham gia đàm phán tái thống nhất đảo Cyprus. (Nguồn: AFP)

Phát biểu ngày 8/1 trước khi lên đường tới Geneva, ông Akinci dự báo vòng đàm phán với nhà lãnh đạo cộng đồng gốc Hy Lạp sẽ "là một tuần khó khăn", và thận trọng cho rằng hai bên chưa ở giai đoạn có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng tại Geneva. Về phần mình, ông Anastasiades cũng cảnh báo về "những khác biệt căn bản trong những vấn đề mấu chốt" giữa hai bên.

Cũng trong đêm 8/1, đông đảo người dân đảo Cyprus gốc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng tham dự một buổi hòa nhạc mang tên "Countdown to Peace" (Đếm ngược đón hòa bình) tại thành phố Nicosia để bày tỏ hy vọng về thành công của các nỗ lực nhằm chấm dứt sự chia rẽ giữa hai cộng đồng. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng vòng đám phán tại Geneva trong tuần này là "một thảm họa âm ỉ chờ bùng phát" vì những chia rẽ sâu sắc giữa hai bên. Đại diện cộng đồng gốc Hy Lạp kiên quyết yêu cầu phía người gốc Thổ Nhĩ Kỳ phải hoàn trả một phần lãnh thổ hiện nay và cho phép nhiều người gốc Hy Lạp được trở về nhà cũ, nơi họ đã phải rời bỏ năm 1974. Cộng đồng gốc Hy Lạp cũng đặt ra yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải rút toàn bộ binh sĩ của mình khỏi đảo Cyprus, trong khi cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ sự hiện diện quân sự này. 

Vòng đàm phán gần đây nhất giữa hai bên vào cuối tháng 11 năm ngoái đã thất bại, bất chấp những hy vọng lạc quan trước đó của cộng đồng quốc tế về một thỏa thuận tái thống nhất đảo Cyprus có thể đạt được ngay trong năm 2016. 

(theo The Local Switzerland, DW)