Nhỏ Bình thường Lớn

Voọc mũi hếch ở Hà Giang

Một quần thể voọc mũi hếch khoảng 60 con được phát hiện năm 2002 tại khu rừng Khau Ca (Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già, tỉnh Hà Giang). Ngay sau đó, Dự án bảo tồn voọc mũi hếch được triển khai dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã Quốc tế (FFI), giúp loài vật này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Khau Ca là khu vực núi đá vôi, có diện tích khoảng 1.000 ha trải dài trên địa bàn 3 xã Tùng Bá (Vị Xuyên), Minh Sơn và Yên Định (Bắc Mê). Đây là nơi sinh sống lâu đời của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều sinh hoạt gắn chặt với những cánh rừng. Người già ở gần rừng Khau Ca gọi voọc mũi hếch là Tu Cảng, Ca Đác hay Mò Pèn. Loài vật này có đặc điểm lông đen, cánh tay, đùi, mặt và đầu có màu trắng kem, cổ họng có mảng lông màu da cam... Trước đây, bà con đi rừng vẫn bắt được nó đem về nấu cao, làm thịt ăn. Mãi sau này, khi các nhà khoa học phát hiện, tổ chức tuyên truyền thì người dân mới biết đó là voọc mũi hếch, loài vật được xếp vào danh sách 25 loài linh trưởng cực kỳ nguy cấp trên phạm vi toàn cầu. Trước năm 1992 khi được tái phát hiện tại Việt Nam, loài vật này coi như đã bị tuyệt chủng.

 

Anh Hoàng Văn Tuệ, Phó phòng Quản lý rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Giang), đang làm điều phối viên dự án bảo tồn Voọc cho biết: Voọc mũi hếch đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu không có các biện pháp bảo vệ chúng. Khi khảo sát thực địa, các cán bộ dự án đã nhiều lần chứng kiến cảnh người dân vào rừng săn bắn, đặt bẫy bắt nhiều loài động vật trong đó có voọc. Trước năm 2002, hoạt động săn bắn của người dân quanh vùng tuy đã giảm nhưng chính quyền địa phương cũng không thể kiểm soát hết được. Mấy năm gần đây, mặc dù tỉnh Hà Giang đã tiến hành thu giữ súng trong dân, nhưng theo điều tra của các cán bộ dự án thì quanh khu vực này vẫn còn ít nhất 25 khẩu súng, khoảng 49 hộ có bẫy to và 76 hộ có bẫy nhỏ. Mặt khác, những tác động đến ngoại cảnh từ hoạt động chăn thả gia súc, khai thác lâm sản phi gỗ đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của loài vật này.

 

Từ khi phát hiện quần thể voọc mũi hếch tại Khau Ca, FFI đã tiến hành các hoạt động bảo tồn rất thiết thực, không chỉ bảo tồn được những cá thể voọc mà còn ghi nhận ít nhất những con non được sinh ra. Một chương trình tạo sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức của người dân sống quanh vùng được đề ra với mục tiêu nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi nhằm giảm thiểu các mối đe dọa đối với linh trưởng nói chung và voọc mũi hếch nói riêng.

 

"Từ khi triển khai dự án bảo tồn đến nay, nhận thức của người dân sống quanh khu vực đã được nâng cao rất nhiều", Điều phối viên Hoàng Văn Tuệ khẳng định. Điều đó, không chỉ bảo vệ tốt loài vọoc mà còn bảo vệ cả môi trường sinh cảnh để loài voọc có thể sinh trưởng và phát triển.

 

Thời gian tới, việc bảo vệ loài voọc mũi hếch và hệ sinh cảnh thuộc khu rừng Khau Ca sẽ có những tiến triển mới. Trong quyết định phê duyệt quy hoạch ba loại rừng, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đã đồng ý đề xuất của tỉnh Hà Giang về việc thành lập khu bảo tồn sinh cảnh Khau Ca với diện tích 2.010,4 ha, trong đó đất có rừng là 1.875 ha và 135,4 ha đất chưa có rừng. Hy vọng, quyết định này sẽ đem lại một tương lai tươi sáng đối với loài voọc mũi hếch và các loài sinh vật trong khu vực. 

 

Vi Thanh