📞

Vụ bạo lực ở trường quốc tế: Đằng sau sự tức giận là đổ lỗi?

Nguyệt Anh 16:22 | 31/05/2022
Trước những ồn ào xung quanh vụ bạo lực ở trường quốc tế, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục) nêu quan điểm, hành vi của phụ huynh làm lộ mặt cả con mình, cả bố con bạn nhỏ kia trong livestream là chưa cân nhắc đến những nguy cơ, rắc rối cho chính những đứa trẻ trong tương lai.
Từ vụ bạo lực ở trường quốc tế, PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, livestream trên mạng khi chưa rõ trắng đen sự việc sẽ dẫn đến những nguy cơ cho chính những đứa trẻ.

Những ngày gần đây, câu chuyện bạo lực học đường xảy ra tại một trường quốc tế gây ra hoang mang trong dư luận, quan điểm của ông thế nào về câu chuyện này dưới góc độ một chuyên gia tâm lý?

Theo tôi, đằng sau sự tức giận là đổ lỗi. Khi chúng ta tức giận, hành động sẽ không theo lý trí mà chỉ theo cảm xúc nhất thời.

Vì vậy, tức giận sẽ "leo thang" qua lời nói và hành vi không đúng đắn. Để rồi, sai lầm đầu tiên là để sự kiện livestream trên mạng có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của chính mình.

Đặc biệt, dù vụ việc chưa được làm rõ nhưng những hành vi của phụ huynh làm lộ mặt cả con mình, cả bố con bạn nhỏ kia trong livestream là chưa cân nhắc đến những nguy cơ, rắc rối cho chính những đứa trẻ trong tương lai.

Ông nhìn nhận ra sao về hành động của người mẹ trong câu chuyện?

Theo tôi, bản thân người mẹ cũng dễ bị "mất điểm". Kể cả khi chúng ta có những sự việc không vừa ý trong cuộc sống, nhưng khi đã đưa lên không gian mạng cũng cần phải cân nhắc xem khi đưa những nội dung này lên có gây tổn thương cho ai hay không? Chẳng hạn việc đưa hình ảnh cha của đứa trẻ và đứa trẻ kia lên mạng đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho cuộc sống của họ, khi mà sự việc chưa phân rõ trắng đen.

Như vậy, mặc dù tình huống người mẹ giận là chính đáng (con bị bạo hành gây thương tích) nhưng có những cái bị hiểu lầm (ví dụ như có thể diễn giải sai hành vi của người thầy như chống nạnh, chắp tay sau lưng là hành động thiếu tôn trọng và thân thiện. Trong khi nguyên tắc ứng xử của họ như vậy để không vô tình đụng chạm vào người khác khi họ tức giận).

Trong tình huống cụ thể này, phụ huynh đang tin rằng quyền của họ, hoặc quyền của con họ, đã bị bỏ qua hoặc vi phạm một cách bất công. Họ kỳ vọng nhà trường phải thỏa mãn ngay mọi yêu cầu của mình, cho gặp nạn nhân, xử lý ngay vấn đề mà không hiểu rằng sau sự việc xảy ra, bản thân cả đôi bên đều xáo trộn tâm lý và cần thời gian để không bị tổn thương thêm chứ không phải chỉ giải quyết những bức xúc của người lớn.

Điều đáng trách ở đây nữa là những người xung quanh – lẽ ra đứng ngoài sẽ tỉnh táo hơn, có cái nhìn khách quan hơn nhưng trong trường hợp này lại “đổ dầu vào lửa” với những bình luận vô thưởng vô phạt của mình khiến sự việc bị đẩy đi xa hơn.

Vậy trong tình huống này thì phụ huynh nên xử lý thế nào?

Theo tôi, phụ huynh nên nói chuyện cởi mở với con và bình tĩnh để hiểu về vấn đề một cách khách quan. Cùng con rút ra bài học về kỹ năng bảo vệ bản thân trong những tình huống gặp phải trong tương lai. Ví dụ, con sẽ ứng xử để bạn dừng lại thế nào; tự bảo vệ bản thân ra sao; nhờ sự giúp đỡ của những người khác xung quanh để cùng chứng kiến, tỏ thái độ và tự bảo vệ mình như thế nào…

"Kể cả khi chúng ta có những sự việc không vừa ý trong cuộc sống, nhưng khi đã đưa lên không gian mạng cũng cần phải cân nhắc xem khi đưa những nội dung này lên có gây tổn thương cho ai hay không?".

Đồng thời, hãy làm mẫu những hành vi này một cách tích cực để trẻ học được kỹ năng đúng và không hành xử theo hướng làm cho tình huống trở nên phức tạp hơn.

Hãy ở bên và nhận diện sớm các dấu hiệu tổn thương sức khỏe tinh thần của con để có những hỗ trợ kịp thời. Củng cố sự tự tin của con, nói với con rằng bố/mẹ tin con. Nói cho con biết lỗi không thuộc về con khi con là nạn nhân của bắt nạt. Nhưng con có thể học được cách ứng xử đúng đắn hơn để bảo vệ bản thân.

Cha mẹ cũng cần bình tĩnh khi liên lạc với nhà trường. Tìm hiểu quy trình của nhà trường (nếu có) và đề xuất các yêu cầu hỗ trợ tâm lý hoặc các bước hỗ trợ bổ sung theo quan điểm của phụ huynh, bình tĩnh nhưng kiên định.

Bạo lực học đường gia tăng trong nhiều năm trở lại đây. (Nguồn: Internet)

Vai trò của giáo viên ra sao, theo ông?

Giáo viên cần hợp tác với các bên để minh bạch hóa về tình tiết vụ việc; giúp đôi bên hòa nhập lại với môi trường học đường; cung cấp thông tin chính xác cho học sinh và xóa tan những tin đồn. Đồng thời, sử dụng các biện pháp để giảm căng thẳng, sang chấn ở học sinh; nhận diện sớm các biểu hiện đau buồn hoặc trầm cảm; kết nối với các chuyên gia tư vấn tâm lý để hỗ trợ trẻ.

Một vấn đề khá quan trọng đó là việc cha mẹ cần sốc lại tinh thần cho con thế nào sau những sự cố đáng tiếc xảy ra?

Thứ nhất, phụ huynh phải học cách nhận biết những ảnh hưởng sau sự việc để giúp đỡ trẻ. Nhận diện sớm các phản ứng tiêu cực như sợ hãi, mất ngủ, mệt mỏi và dễ bị mất tập trung.

"Một ngôi trường hạnh phúc sẽ không phụ thuộc nhiều vào cơ sở vật chất hiện đại mà nằm ở triết lý và văn hóa của nhà trường. Ở đó, giáo viên là những tấm gương và luôn thân thiện, tích cực. Họ sẽ có cách kiểm soát cảm xúc và cách giải quyết vấn đề tích cực nhất có thể".

Thứ hai, khuyến khích trẻ nhận tham vấn hoặc nói chuyện với người lớn đáng tin cậy về cảm xúc của trẻ xung quanh vụ việc.

Thứ ba, cân nhắc việc đến trường khi cần thiết đối với những trẻ rất sợ quay trở lại lớp học.

Thứ tư, cha mẹ cũng cần được tham vấn, tư vấn khi cần để có thể duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần, sẵn sàng hỗ trợ, ở bên cạnh trẻ.

Thực tế nhiều người sẵn sàng đầu tư với mong muốn con có được một môi trường giáo dục tốt nhất, không có bạo lực học đường. Theo ông, có phải cứ trường với mức học phí "đỉnh" thì sẽ không có bạo lực?

Tôi hiểu những mong muốn của phụ huynh, tuy nhiên đây là điều quá xa vời. Nhiều người định kiến về trường với mức học phí cao là an toàn, là đẳng cấp quốc tế, ở đó sẽ không có bạo lực. Tuy nhiên đây là một suy nghĩ sai lầm.

Một ngôi trường hạnh phúc sẽ không phụ thuộc nhiều vào cơ sở vật chất hiện đại mà nằm ở triết lý và văn hóa của nhà trường. Ở đó, giáo viên là những tấm gương và luôn thân thiện, tích cực. Họ sẽ có cách kiểm soát cảm xúc và cách giải quyết vấn đề tích cực nhất có thể.

Hơn nữa, giáo viên và cha mẹ sẽ thống nhất cách sử dụng kỷ luật tích cực. Đồng thời, nhà trường có quy tắc ứng xử phi bạo lực được áp dụng nhất quán với giáo viên, nhân viên và học sinh...

Xin cảm ơn ông!

Trước đó, mạng xã hội sốt với thông tin một vụ bạo lực học đường xảy ra giữa các học sinh tại trường quốc tế ISHCMC-AA tại TP. Hồ Chí Minh. Phụ huynh của một trong 5 nữ sinh góp mặt trong cuộc ẩu đả lên tiếng gay gắt, yêu cầu nhà trường có trách nhiệm giải quyết ngọn ngành vụ bạo lực học đường.

Vụ việc được dư luận quan tâm sau khi người mẹ này sử dụng mạng xã hội livestream, đưa thông tin về sự việc.

Trường ISHCMC-AA là một trong những ngôi trường có mức học phí cao nhất trong cả nước. Học phí hiện tại của trường dao động từ 500 - 650 triệu đồng/năm tùy khối lớp.