📞

Vụ cảnh sát Mỹ bắn tử vong công dân da màu: Cơn giận dữ dâng cao bất chấp giới nghiêm, Tổng thống Biden gọi 'thảm kịch'

An Chu 20:03 | 13/04/2021
Thành phố Minneapolis, bang Minneapolis, nơi đang diễn ra vụ xét xử ông Derek Chauvin, cựu sĩ quan cảnh sát bị buộc tội giết người đàn ông da màu George Floyd hồi tháng 5/2020 cũng tại thành phố này đang bị nhấn chìm trong làn sóng giận dữ mới, bắt nguồn từ một vụ việc tương tự.
Người dân tụ tập phản đối vụ cảnh sát bắn vào một công dân da màu khiến người này tử vong. (Nguồn: AFP)

Nguồn cơn

Ngày 11/4, Sở Cảnh sát Brooklyn Center thông báo, cảnh sát đã chặn một ô tô vi phạm luật giao thông. Khi phát hiện người điều khiển phương tiện có tên trong danh sách truy nã, cảnh sát đã tìm cách bắt giữ đối tượng.

Khi người thanh niên này quay lại ô tô, một trong số cảnh sát có mặt tại hiện trường đã nổ súng, khiến đối tượng tử vong tại chỗ. Cô gái đi cùng xe bị thương, nhưng không nguy hiểm tới tính mạng.

Trong một cuộc họp báo diễn ra ngay sau đó, cảnh sát trưởng thành phố Brooklyn Center Tim Gannon cho biết, cái chết của thanh niên da màu Daunte Wright là "một vụ nổ súng do vô tình".

Theo ông Gannon, sĩ quan cảnh sát trên định dùng súng điện, song đã rút nhầm súng bắn đạn thật và nhằm bắn Wright khi thanh niên này cố tình thoát khỏi cảnh sát và chui vào xe.

Ông Gannon không nêu danh tính sĩ quan cảnh sát trên, mà chỉ cho biết người này đã bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.

Tuy nhiên, Cục quản lý hình sự bang Minnesota cho biết, sĩ quan nổ súng bắn Wright là Kim Potte, đã có 26 năm phục vụ trong ngành cảnh sát.

Biểu tình gia tăng thành bạo lực

Ngay sau vụ việc, hàng trăm người đã tập trung bên ngoài đồn cảnh sát ở thành phố Brooklyn Center, Tây Bắc Minneapolis.

Thị trưởng Brooklyn Center Mike Elliott kêu gọi người biểu tình tuần hành trong hòa bình và không đụng độ với lực lượng chức năng.

Sau vụ việc trên, Thị trưởng Minneapolis Jacob Frey đã tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp tại thành phố lớn nhất bang Minnesota này và áp đặt lệnh giới nghiêm từ 19h tối 12/4 (giờ địa phương) đến 6h sáng 13/4.

Tương tự, nhà chức trách cũng triển khai lệnh giới nghiêm tại thành phố St. Paul và khu vực lân cận, trong đó có hạt Hennepin, nơi Daunte Wright bị sát hại.

Mặc dù vậy, gần 2 giờ sau khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực, nhiều người biểu vẫn tràn ra đường phố, mang theo biểu ngữ tập trung trước trụ sở cảnh sát thành phố.

Các hình ảnh được đăng tải cho thấy những người biểu tình đã đập phá xe của cảnh sát, buộc cảnh sát phải bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông. Sau đó, Lực lượng Vệ binh quốc gia đã được điều tới hiện trường để giải quyết vụ việc.

Tính đến tối 12/4, Lực lượng Vệ binh quốc gia tại Minnesota đã được huy động gấp đôi, lên hơn 1.000 binh sĩ nhằm đảo trật tự.

Tổng thống Mỹ gọi 'thảm kịch'

Ngày 12/4, phát biểu trước báo giới, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, vụ việc này là “một thảm kịch thực sự nhưng chúng ta cần phải chờ đợi kết quả điều tra".

Ông Biden nêu rõ: "Tôi muốn khẳng định một lần nữa là: hoàn toàn không có bất cứ lý lẽ biện minh nào cho hành vi cướp phá. Tuần hành hòa bình là hành động có thể thông cảm được."

Theo Tổng thống Biden, ông đã được thông báo cũng như xem video ghi hình vụ việc. Tổng thống Biden lưu ý chưa rõ hành động này là vô tình hay cố ý và cơ quan chức năng vẫn cần tiến hành điều tra đầy đủ để xác minh.

Năm ngoái, các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp nước Mỹ sau khi người đàn ông da màu có tên là George Floyd bị một cảnh sát ghì cổ đến chết. Làn sóng biểu tình sau đó lan ra ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là phong trào "Quyền sống cho người da màu" (Black Lives Matters).

(tổng hợp)