Thẩm phán Anh tuyên bố từ chối yêu cầu dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks (ảnh) sang Mỹ do lo sợ ông này có thể tự sát. (Nguồn: Getty) |
Trong phiên xét xử tại tòa án hình sự Old Bailey ở thủ đô London, dù bác bỏ gần như tất cả các lập luận của nhóm pháp lý của ông Assange đưa ra, song Thẩm phán Baraitser nói, không thể dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks vì ông này có nguy cơ tự sát.
Thẩm phán Baraitser sau đó đã ra phán quyết ông Assange không phải bị dẫn độ sang Mỹ.
Đồng quan điểm, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador tuyên bố, nước này ủng hộ quyết định của bà Baraitser, đồng thời sẵn sàng cấp quy chế tị nạn chính trị cho ông Assange.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, Tổng thống Lopez Obrador nêu rõ: "Ông Assange là một nhà báo và xứng đáng có một cơ hội, tôi ủng hộ việc tha thứ cho ông ấy. Chúng tôi sẽ bảo vệ ông ấy".
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ bày tỏ "vô cùng thất vọng" trước phán quyết của thẩm phán Baraitser.
Đề cập tuyên bố của ông Assange về việc ông đã thực hiện quyền tự do ngôn luận và Mỹ đang theo đuổi một vụ bất đồng chính trị kéo dài, Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ: "Mặc dù vậy, chúng tôi hài lòng rằng, Mỹ thắng thế ở tất cả các điểm trong luật được nêu. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách dẫn độ ông Assange tới Mỹ".
Trước đó, theo luật sư của nhà sáng lập WikiLeaks, các công tố viên Mỹ đã tuyên bố sẽ kháng cáo phán quyết của thẩm phán Anh và ông sẽ nộp đơn xin tại ngoại cho thân chủ Assange vào ngày 6/1 trong thời gian chờ kháng cáo.
Ông Assange, người Australia, 49 tuổi, đang bị giam giữ tại nhà tù Belmarsh ở London (Anh) trong khi chờ phán quyết về yêu cầu dẫn độ sang Mỹ.
Tại Mỹ, ông Assange bị cáo buộc 18 tội danh hình sự liên quan vụ rò rỉ khoảng 500.000 tài liệu mật của chính phủ Mỹ trên WikiLeaks.
Các luật sư của ông Assange lập luận rằng, việc truy tố mang động cơ chính trị và việc dẫn độ tới Mỹ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với công việc của các nhà báo.