Phương Tây giới hạn giá dầu nhằm mục đích làm tổn hại doanh thu của Nga. (Nguồn: Reuters) |
Bà Elizabeth Rosenberg, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về tội phạm tài chính và tài trợ cho khủng bố nói với các phóng viên rằng, mức giá trần nên được ấn định cao hơn chi phí sản xuất biên của dầu mỏ Nga và cân nhắc đến các mức giá lịch sử đã được thị trường chấp nhận.
Quan chức này nói: “Có một số yếu tố dữ liệu then chốt mà chúng tôi đang xem xét cũng như cách thức ấn định mức giá trần cuối cùng, trong đó có chi phí sản xuất biên đối với dầu của Nga”.
Theo bà Rosenberg, trong những tuần tới nhóm G7 sẽ họp để ấn định mức giá trần được áp cho dầu xuất khẩu của Nga và “xúc tiến các chế tài” cụ thể về cách thức triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các quan chức chính quyền Biden đang tới các nước tiêu thụ dầu mỏ để thúc đẩy cơ chế nhằm khống chế lợi nhuận mà Nga thu được từ xuất khẩu dầu, vốn được xem là “huyết mạch” cho chiến dịch của Moscow tại Ukraine.
Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin nhận định, kế hoạch của phương Tây nhằm áp giá trần đối với mặt hàng dầu mỏ và khí đốt từ Nga sẽ thất bại và giá cả sẽ tăng vọt vượt xa mức giá trần mà họ tự đặt ra.
Trên kênh Telegram, ông Volodin viết: “Cái mà quan chức các quốc gia thành viên G7 gọi là giá ‘trần’ sẽ trở thành giá sàn. Thị trường toàn cầu không giới hạn ở 7 quốc gia đó. Mức giá cận biên do phương Tây công bố sẽ trở thành ngưỡng thấp hơn”.
Ông Volodin cho rằng, các nước liên quan đều nhận ra sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga, đồng thời khẳng định những nỗ lực thay thế dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Nga đã thất bại và họ không thể mua nhiên liệu từ Nga với “giá rẻ hơn mức giá thông thường”.
Về phía Liên minh châu Âu (EU), trang Financial Times của Anh trích dẫn nguồn tin khối cho hay, một số quốc gia đang lo ngại Moscow có thể trả đũa nếu biện pháp áp giá trần với khí đốt Nga được đưa ra và có thể cắt đứt hoàn toàn nguồn cung.
Cụ thể, có ít nhất 10 quốc gia ủng hộ các hạn chế chung đối với tất cả các nhà cung cấp. Các chính phủ lo ngại việc áp đặt các hạn chế chỉ riêng đối với Nga “có thể khiến Moscow tức giận”.
Trong số các quốc gia đó có Hy Lạp, Italy và Ba Lan.