Nếu cử tri bỏ phiếu ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6, châu Âu có thể rơi vào suy thoái, gây thêm sức ép lên kinh tế toàn cầu, nhờ đó làm tăng sức hấp dẫn của tài sản an toàn như vàng.
“Sóng đôi” hay “cân não”
Một ngày trước cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, giá vàng thế giới chạm đáy hai tuần qua, giảm xuống mức thấp nhất trong phiên 22/6 với kỳ vọng người dân Vương quốc Anh sẽ chọn ở lại và xoa dịu tâm lý ngại rủi ro của giới đầu tư.
Giá vàng có liên quan chặt chẽ với Brexit. (Nguồn: atsbulion) |
Tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.266,60 USD/ounce, còn giá vàng giao tháng 8/2016 hạ 0,2% xuống 1.270 USD/ounce. Trước đó, cũng trong phiên này, giá vàng giao ngay có lúc đã rơi xuống mức thấp nhất trong hai tuần là 1.261,01 USD/ounce.
Theo ông Bill O'Neill, người đồng sáng lập hãng đầu tư Logic Advisors, các nhà giao dịch có xu hướng đẩy mạnh bán ra trên thị trường vàng để hạn chế rủi ro.
Người ta cho rằng, có thể nhìn vào giá vàng để nhận định xu hướng bỏ phiếu của người Anh về việc đi hay ở lại EU. Nhưng với nhịp điệu lên xuống hiện nay của loại hàng hóa này, mong đợi ấy có thể khiến họ đau đầu vì chưa thể xác định được người dân quốc gia này nghiêng về bên nào hơn.
Theo nhà giao dịch James Gardiner ở MKS Group, khi cuộc trưng cầu dân ý sắp diễn ra, các cử tri dường như sẵn sàng bỏ phiếu cho "Ở lại", nhưng nếu phe ủng hộ "Đi" giành chiến thắng, giá vàng có thể tăng ít nhất là 100 USD/ounce.
Trong khi đó, ông Dominic Schnider thuộc UBS Wealth Management ở Hong Kong nhận định, trong trường hợp phe ủng hộ Brexit giành chiến thắng, giá vàng sẽ tăng lên đến 1.350 USD/ounce và trong trường hợp ngược lại, giá kim loại này có thể quay trở lại mức 1.200 USD/ounce.
Vàng có nghĩa là an toàn?
Nhìn lại tháng 6, nhu cầu mua vàng tăng mạnh trước nguy cơ Brexit. Sàn giao dịch vàng trực tuyến của Xưởng đúc tiền Hoàng gia Anh (Royal Mint Bullion) cho hay lượng vàng giao dịch qua sàn này trong tháng 6 tăng khoảng 30% so với tháng 5, do giới đầu tư đẩy mạnh việc mua vàng và bạc, tránh những bất ổn có thể gia tăng của kinh tế thế giới hậu Brexit.
Thống kê của các sàn giao dịch vàng trực tuyến khác cũng cho thấy nhu cầu mua vàng thỏi và vàng tiền xu tăng mạnh trong thời gian qua. Trong vai trò là phương tiện đầu tư an toàn, vàng đang trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, do họ tin rằng giá kim loại quý này sẽ tiếp tục tăng lên nếu nước Anh bỏ phiếu rời EU.
Giá vàng trong tuần trước đã tăng lên mức cao nhất trong gần hai năm trở lại đây là 1.315 USD/ounce. Kim loại quý này đã tăng khoảng 5% từ đầu tháng, trước khi đảo chiều từ phiên giao dịch cuối tuần trước do giới đầu tư trở nên lạc quan hơn vào khả năng nước Anh ở lại EU khi các cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ người nói không với Brexit đang gia tăng. Kết thúc phiên 22/6, giá vàng giảm 1 USD xuống 1.267 USD/ounce. Các nhà phân tích thuộc ngân hàng HSBC dự báo rằng Brexit, nếu xảy ra, có thể đẩy giá vàng tăng tới 10%.
Giám đốc phụ trách giao dịch vàng của Xưởng đúc tiền Hoàng gia Anh, ông Chris Howard, cho hay nhờ lượng vàng giao dịch tăng 32% trong tháng này, doanh thu mà Xưởng đúc tiền Hoàng gia Anh thu được từ giao dịch vàng tăng tới 150%. Ông cho biết nhu cầu kim loại quý đã tăng đáng kể từ đầu năm 2016.
Đối thủ của Royal Mint Bullion là sàn giao dịch vàng trực tuyến BullionVault cho hay, số tài khoản giao dịch mới mở trong tháng 6 đã tăng tới 85% so với mức trung bình hàng ngày trong 12 tháng trở lại đây. Công ty Pure Gold Company có trụ sở tại London cho biết họ đã phải thuê thêm bảy nhân viên để đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng hiện ở mức cao chưa từng có.
Ông Josh Saul, Giám đốc điều hành Pure Gold Company, cũng cho biết trong thời gian gần đây, nhiều người chưa từng đầu tư vào vàng giao ngay cũng đã gọi điện tới công ty để mua vàng, với mức mua khởi điểm là 100.000 Bảng (148.000 USD). Trong khi đó, lượng vàng mà các quỹ giao dịch vàng (ETF) nắm giữ hiện cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2013.
Các chuyên gia kim loại quý tại Anh cho rằng cho dù kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 ra sao thì vẫn có nhiều lý do để đầu tư vào vàng, trong đó phải kể tới những bất ổn liên quan đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ và xu hướng áp dụng chính sách lãi suất âm của các ngân hàng trung ương trên thế giới.