Cuối tuần qua, so với mức thấp nhất trong 13 năm thiết lập vào giữa tháng 2/2016, giá dầu đã tăng hơn 80%, được giao dịch ở mức hơn 50 USD/thùng. Vài ngày sau, tuy giá có giảm đôi chút, nhưng nhiều người vẫn tin vào xu hướng tăng, thậm chí, lên mức 70 USD/thùng vào cuối năm nay. Giá dầu lên xuống không chỉ là mối quan tâm của giới doanh nghiệp.
Hiệu nghiệm như dầu lửa
Đầu những năm 1970, tiến triển chính trị nguy hiểm ở Cận Đông đã gây nên cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề cho toàn bộ thế giới phương Tây. Năm 1967, trong cuộc chiến chớp nhoáng 6 ngày chống lại Ai Cập, Syria và Jordan, Israel đã chiếm bán đảo Sinai, cao nguyên Golan, dải Gaza, Tây Jordan và Đông Jeruzalem. Ngày 6/10/1973, Ai Cập và Syrie tấn công quân sự Israel. Sau cơn choáng váng vì bất ngờ, Israel nhanh chóng lật ngược thế cờ và chỉ trong vòng 3 tuần, quân đội của họ đã tiến cách thủ đô của cả Ai Cập và Syrie chỉ từ 60 đến 100 km. Lại bị thua trận, các nước Arab đã quyết định sử dụng vũ khí cuối cùng nhưng rất hiệu nghiệm - đó là dầu lửa.
Ngay từ ngày 17/10/1973, Tổ chức OPEC đã quyết định giảm 5% khối lượng dầu xuất khẩu. Thời điểm đó, các nước Arab kiểm soát phần lớn thị trường dầu mỏ, vì thế, họ có tiếng nói quyết định trong việc sử dụng con bài dầu lửa làm công cụ gây áp lực chính trị và kinh tế.
Giá dầu nhiều khả năng sẽ phục hồi. (Nguồn: Breakingenergy). |
Bằng cách này, các nước Arab muốn ép phương Tây ngừng ủng hộ Israel. Việc giảm sản lượng khai thác làm giá dầu tăng lên, cùng với đó là USD mất giá và nhân cơ hội này OPEC muốn cân đối với giá cả thiết bị nhập của phương Tây với giá rất cao. Đến ngày 23/12/1973, giá dầu đã tăng 128%. Do phụ thuộc quá lớn vào nguồn dầu lửa, các nước công nghiệp phương Tây và Nhật Bản đã rơi vào tình trạng vô cùng bi đát. Chính phủ Tây Đức cấm xe hơi cá nhân lưu thông vào ngày chủ nhật và hạn chế tốc độ xe hơi trên xa lộ xuống còn 100 km/giờ. Một số nước Bắc Âu cũng ban hành lệnh cấm lưu thông xe hơi cá nhân.
Vũ khí dầu lửa đã sớm mang lại kết quả chính trị. Ngày 5/11/1973, các ngoại trưởng của cộng đồng châu Âu, và sau đó là Nhật Bản, đã kêu gọi Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ đã chiếm giữ từ năm 1967. Đáp lại, các nước Arab và OPEC lần lượt hủy bỏ hạn chế bán dầu. Tình hình ổn định trở lại, tuy nhiên giá dầu vẫn cao. Các nước xuất khẩu dầu vẫn tiếp tục tăng giá, từ mức 2,83 USD/thùng năm 1973 đã lên 36,15 USD năm 1980.
Chiến tranh dầu lửa đã đem lại cho các nước OPEC thêm 80 tỷ USD/năm. Người ta lo ngại các nước này có thể biến vũ khí dầu lửa trở thành vũ khí tài chính. Nhưng các nước này không có hệ thống ngân hàng phát triển riêng mà phải gửi vào hệ thống ngân hàng thế giới nên họ cũng không thể quyết định mọi chuyện theo ý mình. Cùng với thời gian, mâu thuẫn nội bộ OPEC tăng lên, các nước xuất khẩu dầu ngoài khối Arab tăng lên, các nguồn năng lượng khác góp phần quan trọng hơn nên từ những năm 1980, ảnh hưởng kinh tế và chính trị của các nước xuất khẩu dầu Arab cũng suy giảm. Tuy nhiên, OPEC vẫn đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến việc định giá dầu trên thế giới.
Sự lên xuống của giá dầu chịu tác động của các yếu tố kinh tế và chính trị, trong đó, chủ yếu là yếu tố chính trị. Từ đỉnh cao chót vót, giá dầu lửa đã giảm nhanh và vào tháng 2 năm nay đã ở mức thấp nhất trong 13 năm trước đó. Các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu như Nga, một số nước Trung Đông, Venezuela… đã rơi vào tình thế hết sức khó khăn. |
Việc dầu lửa và các nhiên liệu khác tăng giá đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế thế giới, phương Tây đã rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1930. Mặc dù nhiều nước phát triển hết sức nỗ lực tìm nguồn năng lượng mới, nhưng hơn 10 năm sau khi bùng nổ khủng hoảng, giá dầu vẫn ở mức rất cao. Tháng 5/2008, giá dầu ở mức 128 USD/thùng, nhiều dự báo lúc đó còn khẳng định dầu lửa sẽ lên giá 200 USD/thùng sau 2 năm nữa. Có điều lạ lùng là vào thời điểm đó, không một ai nêu ra nguyên nhân chủ yếu của đợt sốc này. OPEC phủ nhận trách nhiệm làm cho giá dầu tăng và còn nêu ra những khó khăn do phải khai thác vượt ngưỡng đã từng cam kết và giá dầu tăng là do nạn đầu cơ, do sợ khan hiếm dầu, nhiều hợp đồng mua trước đã kết giá cao là nguyên nhân đẩy giá lên.
Lịch sử đã cho thấy kết cục nói trên không nhất thiết phải xảy ra. Trong thời gian sau đó, người Mỹ luôn có vũ khí của riêng mình mỗi khi xuất hiện các vấn đề phức tạp. Người ta cho rằng chiến dịch vũ trang chống Iran lúc đó phù hợp với lợi ích của các công ty lớn hiện đang kiểm soát các trung tâm giao dịch dầu lửa ở phương Tây và rất có điều kiện vận động hành lang ở cả các cấp chính quyền cao nhất. Các thế lực này ắt hẳn sẽ nhìn thấy mối đe dọa về sự tụt giảm lợi nhuận cũng như hạn chế khả năng thao túng thị trường dầu lửa.
Giá dầu lại lên
Thực tế, từ mức 35-40 USD/thùng trong quý I, giá dầu đã tăng vọt lên mức trung bình 45 USD/thùng gần đây, bất chấp việc các quốc gia thuộc OPEC không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng. Đây là tín hiệu tích cực và tạo hy vọng rằng giá dầu đã tạo lập đáy, nhiều khả năng sẽ phục hồi.
Trước hết, giá dầu phụ thuộc vào nền sản xuất thế giới và giá trị của đồng tiền chủ chốt là USD. Kinh tế Mỹ thời gian qua tăng trưởng rất tốt nhưng sắp tới sẽ có bước chậm lại. Điều đó khiến USD không tăng giá mạnh như trước, kéo theo dầu thế giới tăng giá. Thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc dù nhiều chuyên gia dự đoán có thể rơi vào khủng hoảng nhưng về cơ bản, kịch bản hạ cánh cứng khó xảy ra và kinh tế nước này sẽ tăng trưởng trở lại trong nửa cuối 2016 đầu năm 2017. Đó sẽ là động thái làm cho nền sản xuất thế giới tăng trưởng, nhu cầu về năng lượng tăng, đẩy giá dầu đi lên. Nhiều lo ngại về việc giá dầu tăng sẽ khiến các công ty dầu đá phiến Mỹ nhanh chóng mở rộng sản xuất trở lại và điều này sẽ tác động tiêu cực đến giá dầu. Thực ra, khả năng này chỉ xảy ra khi giá dầu phục hồi ở mức cao hơn nữa bởi chi phí sản xuất dầu đá phiến tương đối cao, khoảng 40-50 USD/thùng.
Nếu không có nguồn cung dầu của Iran hay từ khai thác dầu đá phiến của Mỹ, có lẽ giá dầu còn tăng cao hơn nữa. Nhưng vì các nguồn cung này quay trở lại hoạt động khiến mức tăng giá dầu chỉ ở quanh mốc như hiện nay. Giá dầu tăng trở lại khiến có ý kiến cho rằng cuộc chiến giá dầu nhằm vào Nga đã thất bại. Sự bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây cùng chiêu bài giá dầu thấp đã khiến Nga tự thích ứng được bằng cách thay đổi cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, cuộc chiến của Nga với Mỹ và các nước phương Tây sẽ còn kéo dài. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dự trữ dầu thô nước này giảm 3,2 triệu thùng trong tuần trước, dấu hiệu cho thấy nhu cầu đối với các sản phẩm năng lượng sẽ tăng cao trong mùa cao điểm sắp tới.
Trong khi ấy, tình hình tại Nigeria, nước xuất khẩu dầu lớn nhất châu Phi vẫn không có dấu hiệu sáng sủa hơn. Các chuyên gia dự báo Nigeria đang đối diện với cuộc khủng hoảng bạo động kéo dài, rất nhiều khách hàng mua dầu của nước này đang bỏ đi vì sợ nguồn cung không đảm bảo. Người ta kỳ vọng giá dầu không thể giảm sâu.