Nhỏ Bình thường Lớn

Vụ máy bay Ryanair: Tiết lộ mới về lời đe dọa đánh bom, Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách 'dập lửa' NATO- Belarus, Nga vào tầm ngắm

Ngày 28/5, công ty Proton Technologies - có trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ) và là hãng bảo mật thư điện tử lớn nhất thế giới - đã tiết lộ tình tiết mới liên quan lời đe doạ đánh bom được gửi tới máy bay của hãng Ryanair.
Máy bay Ryanair bị giữ ở Minsk: Các nước châu Âu triệu Đại sứ Belarus; EU 'rần rần' tỏ thái độ, sẽ bàn cách trả đũa. (Nguồn: AFP)
Theo thông tin mới nhất, đe dọa đánh bom được gửi tới máy bay của hãng Ryanair sau khi máy bay này chuyển hướng tới Belarus. (Nguồn: AFP)

Trong thông báo, Proton xác nhận, bức thư có nội dung đe doạ được chuyển tới sau khi máy bay chở khách của Ryanair chuyển hướng tới Belarus.

Thông báo có nội dung như sau: "Do các đoạn mã hoá, chúng tôi không thể tiếp cận hay xác thực nội dung thư. Tuy nhiên, chúng tôi có thể nhìn thấy mốc thời gian và có thể xác nhận rằng nó được gửi sau khi máy bay chuyển hướng".

Theo thông báo của công ty này: "Dựa trên những hình chụp lại của bức thư điện tử bị rò rỉ trên mạng, chúng tôi cho rằng, nó bị rò rỉ bởi ai đó có khả năng tiếp cận hệ thống tiếp nhận thư điện tử ở Belarus".

Trước đó, chuyến bay của Ryanair từ Athens tới Vilnius đã buộc phải hạ cánh ở Minsk do có thông tin về đe doạ đánh bom. Sau đó, cơ quan chức năng Belarus đã tiến hành bắt giữ nhân vật đối lập Roman Protasevich và bạn gái có mặt trên chuyến bay này. Vụ việc đã gây ra tranh cãi ở châu Âu.

Trong khi đó, giới chức Belarus tuyên bố rằng Minsk đã nhận được một email đe dọa từ một địa chỉ ProtonMail của nhóm Hồi giáo Palestine Hamas, trong đó tuyên bố có bom trên chuyến bay FR4978.

Liên quan vụ máy bay Ryanair, ngày 27/5, hãng tin Reuters dẫn lời hai nhà ngoại giao thạo tin cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã hối thúc các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hạ nhiệt căng thẳng với Belarus.

Các nguồn tin này cho rằng, Ankara có thể đang nỗ lực duy trì quan hệ với Nga, đồng minh thân cận nhất của Belarus, cũng như duy trì quan hệ kinh tế với Belarus thông qua hãng hàng không Turkish Airlines, hãng có các chuyến bay hàng ngày đến sân bay Minsk.

Hôm 26/5, 30 đồng minh của NATO đã đưa ra một tuyên bố lên án động thái của Belarus, song không đưa ra bất cứ biện pháp trừng phạt nào. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenber gọi vụ việc là một vụ "không tặc nhà nước" và "thái quá".

Trong diễn biến khác, ngày 27/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết trên Facebook: “Những gì phương Tây đã làm khi ban hành lệnh cấm các chuyến bay qua không phận Belarus vì những lý do chính trị là hoàn toàn vô trách nhiệm và gây nguy hiểm cho an toàn của hành khách”.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, khối này đang theo dõi liệu Nga có cấm các hãng hàng không châu Âu một cách có hệ thống hay không nếu các hãng này tránh bay qua không phận Belarus.

Những ngày vừa qua, giới chức Nga đã không chấp thuận cho một số chuyến bay của Austrian Airlines (Áo) và Air France (Pháp) đổi lộ trình đến Moscow bằng đường bay mới không qua không phận Belarus.

TIN LIÊN QUAN
Tin thế giới 27/5: EU 'tính kế' trừng phạt Belarus; Nguy cơ Azerbaijan-Armenia kích ngòi nổ; Trung Quốc nổi giận vì mệnh lệnh của ông Biden
TIN LIÊN QUAN
Tranh chấp giữa hai đồng minh Mỹ: Hàn Quốc quyết hành động 'cứng rắn nhất có thể' với Nhật Bản
Nga nói gì việc Mỹ không quay lại Hiệp ước Bầu trời Mở?
Hàn Quốc đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh P4G trực tuyến
Trung Quốc 'nhắc nhẹ' Nhật Bản: Thận trọng!
Vụ máy bay Ryanair: G7 lên án, Czech ra 'đòn' nhắm vào Belarus, ICAO điều tra

(theo AFP, Reuters)