Vụ nổ đường ống Nord Stream: Bức ảnh vệ tinh do truyền thông châu Âu tiết lộ về hai con tàu của Nga có mặt gần địa điểm các vụ nổ. (Nguồn: BBC News) |
Theo một cuộc điều tra chung từ các hãng truyền thông của Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan, các tàu Nga với thiết bị hoạt động dưới nước được xác định đã ở gần các địa điểm xảy ra vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) trong những ngày trước khi xảy ra vụ nổ.
Các nhà báo tại các cơ quan truyền thông nói trên được cho là đã liên kết việc các tín hiệu bị chặn từ các con tàu, với hình ảnh vệ tinh để xác định vị trí và theo dõi đường đi của chúng.
Đây là thông tin mới nhất về vụ việc đã diễn ra trong thế giới thực, được các cơ quan truyền thông điều tra, kết hợp các nguồn dữ liệu khác nhau và từ các nguồn thông tin không liên quan với nhau, để cố gắng tìm ra các chi tiết mới nhất.
Cụ thể, cuộc điều tra của DR (Đan Mạch), NRK (Na Uy), SVT (Thụy Điển) và Yle (Phần Lan) tập trung vào các chuyển động và hành động của các con tàu trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 năm ngoái mà họ mô tả là rất bất thường.
Các con tàu được cho là bao gồm tàu nghiên cứu hải quân Nga Sibiryakov, tàu kéo SB-123 - có khả năng hạ thủy các tàu ngầm mini và một tàu thứ ba từ hạm đội hải quân Nga mà các phương tiện truyền thông không thể xác định tên. Chúng được gọi là "tàu ma" vì đã tắt máy phát tín hiệu.
Tuy nhiên, đại diện các hãng truyền thông nói rằng, họ có thể theo dõi chuyển động của chúng, bằng cách sử dụng thông tin liên lạc vô tuyến bị chặn mà các tàu gửi đến các căn cứ hải quân của Nga. Theo nguồn tin trên, ba con tàu đã đi từ các căn cứ hải quân ở Nga đến gần các địa điểm xảy ra vụ nổ vào tháng 6 và tháng 9/2022. Sau đó, tất cả các tàu đã tắt dịch vụ AIS theo dõi vị trí của chúng, một hành động thường được mô tả là "đi vào bóng tối" và thường được sử dụng cho hoạt động ngụy trang.
Tháng 11/2022, tờ WIRED cũng đã báo cáo về sự hiện diện của "tàu ma" vào khoảng thời gian xảy ra vụ nổ, nhưng không có thông tin về danh tính của chúng.
Trong một trường hợp khác, một con tàu của Nga số hiệu SS-750 cũng được cho đã ở gần tuyến đường ống Nord Stream, bốn ngày trước khi chúng bị nổ tung.
Và để đáp lại yêu cầu cung cấp hồ sơ công khai, Bộ Tư lệnh Quốc phòng Đan Mạch đã xác nhận với trang web Information của Đan Mạch, rằng một tàu tuần tra của Đan Mạch có tên là Nymfen đã chụp 26 bức ảnh về một tàu cứu hộ tàu ngầm của Nga trong khu vực nói trên, vài ngày trước khi xảy ra vụ nổ.
Trang web trên thông tin cho biết, SS-750 đã khởi hành từ Kaliningrad và đến gần đảo Bornholm vào ngày 22/9/2022.
Các vụ nổ dưới nước vào tháng 9 năm ngoái đã khiến hai đường ống Nord Stream 1 và 2 - được xây dựng để vận chuyển khí đốt từ Nga đến châu Âu – bị phá hủy tại nhiều điểm và phải lập tức ngừng hoạt động. Tuy nhiên đến nay, nguyên nhân chính xác của các vụ nổ vẫn không rõ ràng. Hiện không có xác nhận chính thức nào, với bằng chứng cụ thể, về việc ai có thể đứng sau vụ việc.
Cuộc điều tra mới nhất từ các nhà báo châu Âu này cũng cho biết, hành vi của các con tàu là bất thường, nhưng không thể đưa ra kết luận ai đã làm gì gần các địa điểm của Nord Stream.
Trong khi đó, ngay từ đầu, Nga đã phủ nhận có liên quan đến các cuộc tấn công và đề cập vai trò của cả Anh và Mỹ trong vụ việc.
Các báo cáo khác lại tuyên bố một nhóm thân Ukraine có thể đã tiến hành vụ tấn công, điều này cũng nhanh chóng bị Kiev phủ nhận.
Các cuộc điều tra chính thức vẫn đang diễn ra ở các quốc gia châu Âu gần địa điểm xảy ra vụ nổ. Nhưng cho đến nay, họ chỉ mới nói rằng, họ tin các vụ nổ là kết quả của hành động phá hoại chứ không phải bất kỳ loại tai nạn nào.
Mới đây, trong một bài phân tích về vụ việc, tờ The Nation cho rằng, với khả năng của Mỹ, việc xác định và định vị địa lý các tàu đi qua, kết hợp với sự hiện diện của các máy bay trinh sát trong vòng vài giờ sau vụ nổ, rất có thể Mỹ biết nhiều hơn về những gì đã xảy ra và ai chịu trách nhiệm. Nhưng điều đó sẽ không được tiết lộ.
Và trong khi có rất ít bằng chứng về sự tham gia trực tiếp của Mỹ, thì thậm chí còn ít hơn thông tin về việc Nga đã tham gia làm nổ tung đường ống dẫn dầu của chính mình.
Ngày 17/2, Phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy đã đề xuất HĐBA dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ, yêu cầu Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres mở một cuộc điều tra quốc tế độc lập và công khai về các vụ tấn công đường ống Nord Stream và xác định bên phải chịu trách nhiệm (thủ phạm, bên tài trợ, tổ chức và đồng phạm). Ngày 22/2, HĐBA tổ chức cuộc họp kín thảo luận về dự thảo nghị quyết của Nga. Kết quả bỏ phiếu ngày 27/3 tại HĐBA về dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất, nhận được 3 phiếu thuận của hai thành viên thường trực là Nga và Trung Quốc, cùng phiếu của Brazil, 12 nước còn lại bỏ phiếu trắng. Dự thảo nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết của 5 thành viên thường trực gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh để được thông qua. |
Đến nay thông tin rõ ràng nhất về vụ nổ đường ống Nord Stream là, vào một buổi sáng sớm tháng 9/2022, lúc 00:03 GMT, Nhà địa chấn học tại Trung tâm Địa chấn quốc gia Thụy Điển Peter Schmidt là một trong những người đầu tiên đưa ra cảnh báo. Công việc của ông là đọc những đường lượn sóng dài trên màn hình máy tính và đưa ra cảnh báo trong trường hợp có động đất.
“Tính toán của chúng tôi cho thấy cường độ là 2,3”, Schmidt nói. Nhưng kỳ lạ thay, điều này không giống như một trận động đất. Thay vào đó, nó là một vụ nổ cực kỳ mạnh với năng lượng giải phóng rất lớn. Tâm chấn của nó nằm sâu dưới biển Baltic, ngay ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch, tạo nên một khoảng trống đen ngòm.
“Sau đó, từ tuyến đường ống Nord Stream 2 và cả người anh em song sinh của nó - Nord Stream 1 nổi lên những bong bóng khí metan khổng lồ hướng lên mặt biển, thay vì đến nhà của hàng triệu người dân trên khắp châu Âu, khi một mùa Đông dài và lạnh giá bắt đầu”, tờ The Nation viết.