Tình tiết mới về con thuyền du lịch bí ẩn trong vụ nổ đường ống Nord Stream. Trong ảnh: Bến cảng đá của đảo Christianso thuộc Đan Mạch. (Nguồn: Reuters) |
Tàu hải quân Nga và Đan Mạch biến mất ở biển Baltic, vài ngày trước khi xảy ra vụ nổ đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức. Một chiếc du thuyền thuê của Đức có dấu vết của chất nổ và một thủy thủ đoàn có hộ chiếu giả. Những bức ảnh mờ về một vật thể bí ẩn được tìm thấy gần một đường ống còn sót lại...
Đây là những manh mối mới nhất trong cuộc săn lùng để có thể dần tiết lộ thủ phạm đã cho nổ tung các tuyến đường ống Nord Stream, nằm sâu khoảng 260 Feet dưới Biển Baltic, vào ngày 26/9/2022. Dự án khổng lồ của Tập đoàn năng lượng Gazprom do Điện Kremlin hậu thuẫn, từng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu.
Nhưng một loạt phát hiện mới và các mẩu chuyện có vẻ mâu thuẫn với nhau, có thể đã gieo rắc sự ngờ vực trong chính các đồng minh phương Tây, mở ra cả cơ hội và áp lực ngoại giao đối với Nga - vốn làm tăng lợi ích địa chính trị ở khu vực Baltic của châu Âu.
Sứ mệnh "bí mật giả tưởng"?
Chỉ vài tuần trước, New York Times đưa thông tin tình báo mới, cùng với những phát hiện của cảnh sát Đức được truyền thông nước này đăng tải, gợi ý một giải pháp khả thi cho “câu đố Nord Stream" rằng, các đặc vụ thân Ukraine thuê một chiếc thuyền du lịch của Đức và thực hiện một sứ mệnh "bí mật giả tưởng".
Không nơi nào cảm thấy căng thẳng hơn trong số 98 cư dân của đảo Christianso, Đan Mạch - một hòn đảo quá nhỏ, mà người ta có thể đi bộ quanh đó trong 10 phút. Sống cách hiện trường vụ nổ chỉ 12 hải lý, tất cả mọi người từ người nhặt cá trích đến đầu bếp quán trọ đều nhìn thấy bầu trời và mặt nước đầy những điều khác lạ vào hôm xảy ra vụ việc.
“Trước vụ nổ, không ai nói về Nord Stream. Tôi thậm chí còn không biết chúng tôi đã ở gần hiện trường đến mức nào cho đến khi nó xảy ra”, Soren Thiim Andersen, Thống đốc của đảo Christianso cho biết. Vậy điều gì thực sự đã xảy ra ở đây?
Chiếc thuyền du lịch trở thành trung tâm cuộc điều tra của Đức. Thuyền Andromeda đã cập bến cảng đá của Christianso sau khi được thuê tại cảng Rostock phía Bắc nước Đức vào ngày 5/9 và dừng lại qua đêm tại Wiek - một cảng ít người biết đến hơn ở phía Bắc, không có camera an ninh và rất ít sự giám sát.
Một công nhân cảng địa phương, người yêu cầu giấu tên do các cuộc điều tra đang diễn ra, nói với The Times rằng, anh ta nhớ rất rõ về chuyến thăm của con thuyền. Anh ta đã nhiều lần cố gắng nói chuyện với thủy thủ đoàn, đầu tiên bằng tiếng Đức, sau đó là tiếng Anh. Nhưng thay vì tìm cách trả lời bằng bất kỳ hình thức nào, bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, một người đàn ông chỉ đơn giản đưa cho anh ta phí cập bến và quay đi.
Thuyền Andromeda hiện đang nằm trong ụ tàu khô nhìn ra biển Baltic, các bộ phận bên trong đã được các nhà điều tra “lôi ra ánh sáng”. Ba vị quan chức của Đức nói với The Times rằng, các nhà điều tra đã tìm thấy dấu vết của chất nổ trên thuyền và phát hiện hai thành viên thủy thủ đoàn sử dụng hộ chiếu Bulgaria giả.
Tiếp theo cuộc săn lùng đó, ông Andersen, Thống đốc đảo Christianso tiết lộ, vào tháng 12/2022, cảnh sát Đan Mạch đã yêu cầu ông viết một bài đăng trên Facebook, hướng dẫn cư dân gửi ảnh chụp bến cảng hoặc thuyền từ ngày 16/9 đến ngày 18/9 - khoảng thời gian mà thuyền du lịch Andromeda được cho là đã cập bến. Một tháng sau đó, các nhà điều tra đến đảo Christianso để phỏng vấn cư dân và xem xét các bức ảnh.
Người dân đảo Christianso đã chế giễu ý tưởng rằng, một chiếc du thuyền dài 50 Foot có thể thực hiện một cuộc tấn công ngoạn mục đến như vậy - các chuyên gia hải quân từ Đức, Thụy Điển và Đan Mạch cũng có quan điểm giống họ.
Họ lập luận rằng, ngay cả với những thợ lặn lành nghề, sẽ gặp vô cùng khó khăn đối với một thủy thủ đoàn 6 người với nhiệm vụ đặt khối chất nổ cần thiết, dưới đáy biển sâu khoảng 262 Feet và tạo ra vụ nổ có cường độ 2,5 độ Richter.
“Biết được vụ nổ sẽ hoạt động như thế nào, với áp suất biển ở những độ sâu đó - bạn cần có kiến thức rất chuyên môn. Làm thế nào để quá trình vật lý diễn ra?", Johannes Riber - một sĩ quan hải quân và nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu chiến lược và chiến tranh Đan Mạch nói. Ông này còn nói đùa rằng, “người gọi đó là “thuyết James Bond”.
Theo Johannes Riber, việc thuyền Andromeda là mồi nhử hay là một phần của sứ mệnh rộng lớn hơn vẫn chưa thể giải đáp được. Nhưng cuộc tấn công hợp lý nhất, cần yêu cầu một máy bay không người lái dưới biển hoặc tàu ngầm mini để đặt chất nổ, thậm chí cả tàu hải quân hoặc tàu khoan chuyên nghiệp dưới nước.
Ông Riber và những người khác cũng chỉ ra những bức ảnh về hậu quả - các đường ống bị uốn cong về phía sau, các vết nứt và miệng núi lửa dưới đáy biển - như dấu vết của một quả bom khổng lồ hay thứ gì đó có trọng lượng từ 1.000 đến 1.500 kg.
“Đây không phải là một vài mảnh chất nổ dẻo. Đó là loại chất nổ có sức công phá mạnh mẽ hơn”, ông Riber nói.
Tuy nhiên, một chuyên gia về đường ống và một thợ lặn chuyên nghiệp là thành viên của nhóm đặt đường ống Nord Stream 2 năm ngoái đã không đồng ý. Cả hai người này đều là những người làm việc thường xuyên ở biển Baltic, đều khẳng định, một chất nổ dẻo nhỏ có thể thực hiện công việc, miễn là nó được đặt gần chỗ nối của đường ống. Họ yêu cầu giới chức không công bố danh tính của mình vì đang phát biểu mà không được phép từ Dự án Nord Stream.
Một thợ lặn khác lại cho biết: “Nó giống như thắp một que diêm bên cạnh một máy bơm xăng bị rò rỉ - bạn chỉ cần có xăng là đủ.
Đến cuối tháng 3, các nhà ngoại giao Nga lại đưa ra một tình tiết khác. Theo đó, họ tiết lộ, vào tháng 2, Nord Stream 2 đã thuê một con tàu để kiểm tra các đường ống của mình và phát hiện ra một vật thể không xác định bên cạnh một đường nối của tuyến đường ống duy nhất không bị hư hại, cách các địa điểm xảy ra vụ nổ khoảng 19 dặm. Công ty đã thông báo cho cả Nga và Đan Mạch, nơi kiểm soát vùng biển mà vật thể được phát hiện.
Ngay cả dưới áp lực từ cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir V. Putin, người đã triệu tập đại biện lâm thời của Đan Mạch tại Moscow, Copenhagen ban đầu từ chối cung cấp các thông tin cho Gazprom hoặc Moscow, ngoài việc công khai một bức ảnh mờ về một hình trụ dài 12 inch, bị bao phủ bởi một lớp tảo biển.
Họ có thể biết nhiều hơn những gì họ đã nói?
Tuần trước, chính quyền Đan Mạch đã cho phép người của Dự án Nord Stream quan sát quá trình lặn của họ để thu hồi vật thể này - công bố những bức ảnh về một ống trụ tối màu hiện đã được làm sạch. Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết, đó có thể là một phần của phao khói hàng hải. Nhưng Đại sứ Nga tại Đan Mạch, Vladimir Barbin, nói với The Times rằng, các chuyên gia ở Moscow tin đây là một phần của thiết bị nổ.
“Việc Đan Mạch, Đức và Thụy Điển tiếp tục giữ bí mật về cuộc điều tra đang diễn ra, cũng như việc từ chối hợp tác với Nga, làm giảm uy tín của họ”, Đại sứ Barbin viết trong một tuyên bố gửi cho The Times.
Và bản thân Tổng thống Putin sẽ tiếp tục sử dụng vụ việc để gây áp lực buộc Đan Mạch phải ủng hộ yêu cầu của Moscow về một cuộc điều tra quốc tế chung. Vào ngày 5/4, ông cảnh báo tình hình ở biển Baltic đang trở nên “hỗn loạn theo nghĩa đen”.
Trong khi ở phía bên kia, ngay cả khi Moscow thúc đẩy một cuộc điều tra chung, thì cũng đã xuất hiện các phát hiện khác bị cho là bất lợi đối với Nga. Trang web T-Online của Đức vào cuối tháng 3 đã làm việc với Điều tra viên nguồn mở Oliver Alexander, để tìm hiểu về đường đi của 6 tàu Nga vốn được mô tả từ “nguồn tin tình báo thuộc một quốc gia NATO”. Phát hiện của họ cho thấy, những chiếc thuyền đã biến mất khỏi tín hiệu vệ tinh vào ngày 21/9, sau khi đi chệch hướng khỏi một cuộc tập trận hàng hải đã được công bố công khai của Nga.
Nhưng cuộc điều tra nguồn mở cũng phát hiện một tàu hải quân Đan Mạch - Nymfen, đã đến cùng khu vực với các tàu Nga trong vài giờ sau khi chúng biến mất. Chúng cũng đã tắt tín hiệu khi đến địa điểm “nhạy cảm” trên. Một ngày sau, một máy bay chiến đấu của Thụy Điển đã thực hiện một đường bay bất thường trong khu vực, theo sau là một tàu hải quân Thụy Điển nán lại gần nơi các đường ống Nord Stream 1 sau đó phát nổ.
Các nhà nghiên cứu lập luận, có lẽ các lực lượng này đã đi “kiểm tra địa điểm” - ám chỉ rằng, một số quốc gia có thể biết nhiều hơn những gì họ đã nói cho đến nay.
Đan Mạch là quốc gia kín tiếng nhất, nhưng các nguồn tin an ninh giấu tên nói với The Times rằng, các nhà điều tra Đan Mạch và Thụy Điển đã cảnh giác với những phát hiện mới nhất của Đức và cảm thấy áp lực đối với những tình tiết như vậy.
Trong khi đó, công tố viên cấp cao của Thụy Điển Mats Ljungqvist nói với tờ báo Norrkopings Tidningar của nước này rằng, mặc dù cuộc điều tra của ông không loại trừ các tác nhân phi nhà nước, nhưng chỉ “rất ít công ty hoặc nhóm” mới có thể làm được và rằng một thủ phạm do nhà nước hậu thuẫn vẫn có nhiều khả năng nhất.
Về việc chia sẻ kết quả điều tra, các quan chức Thụy Điển, Đức và Đan Mạch đều cho rằng, các nhà điều tra có lý do riêng để không chia sẻ những phát hiện có thể tiết lộ khả năng tình báo của họ. Các đồng minh cũng đã trở nên cảnh giác sau một loạt vụ xâm nhập và gián điệp ở châu Âu. Và rằng, việc chia sẻ cũng không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai, thậm chí việc nêu tên thủ phạm có thể gây ra những hậu quả không lường trước được.
Đặc biệt, việc nêu tên một quốc gia nào đó có thể gây ra sự ngờ vực sâu sắc khi phương Tây đang đấu tranh để duy trì một mặt trận thống nhất.
Như chuyên gia quân sự tại Đại học Copenhagen Jens Wenzel Kristoffersen cho biết, có những lý do chiến lược để không tiết lộ ai đã làm điều đó. “Miễn là họ không đưa ra được bất cứ thông tin gì đáng kể, thì tất cả mọi việc sẽ chìm trong bóng tối - như nó phải vậy”.
Hãy đợi xem, liệu phía Nga có đồng ý với quan điểm này?