Kho dự trữ uranium đã làm giàu của Iran, dù ở mức cực cao, nhưng chưa đủ để sở hữu vũ khí hạt nhân. (Nguồn: AFP) |
Phát biểu trên làm dấy lên lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran mà nước này luôn tuyên bố là hoàn toàn vì mục đích hòa bình.
Trước đó một ngày, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami đã tái khẳng định cam kết của nước này về việc tuân thủ thỏa thuận bảo vệ và Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ông Eslami khẳng định rằng, 120 thanh sát viên được Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công nhận đang giám sát chương trình hạt nhân của Iran, trong đó một số thanh sát viên ở lại nước này và một số người khác thực hiện các chuyến thanh sát thường xuyên hoặc bất ngờ tới các địa điểm hạt nhân của Tehran.
Tại cuộc họp mới đây của Liên hợp quốc ở New York, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi cho rằng, kho dự trữ uranium đã làm giàu của Iran, dù ở mức cực cao, nhưng chưa đủ để sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Grossi lưu ý rằng, sự tích lũy đáng kể vật liệu hạt nhân ở mức gần tương đương với cấp độ vũ khí, khiến chương trình hạt nhân của Iran phải chịu sự giám sát quốc tế.
Iran ký Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với các cường quốc thế giới hồi tháng 7/2015, theo đó, Tehran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các trừng phạt đối với nước này.
Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận trên hồi tháng 5/2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Iran, khiến Tehran từ bỏ một số cam kết trong JCPOA. Tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận trên được khởi động vào tháng 4/2021 tại thủ đô Vienna, Áo.
Mặc dù các bên đã tiến hành một số vòng đàm phán, nhưng chưa đạt được đột phá đáng kể nào từ khi kết thúc vòng đàm phán gần đây nhất hồi tháng 8/2022.