📞

Vươn ra toàn cầu bằng đường sắt cao tốc

09:28 | 09/11/2014
Đường sắt cao tốc vừa là công cụ ngoại giao, vừa là một trong những mũi nhọn trong phát triển công nghệ giúp Trung Quốc thực hiện tham vọng trở thành quốc gia xuất khẩu công nghệ cao ra toàn cầu.
Đường sắt cao tốc đang được Trung Quốc sử dụng nhiều trong quan hệ quốc tế.

Lãnh đạo đất nước là “nhân viên chào hàng”

Trung Quốc đã và đang xây dựng thêm các đoàn tàu cao tốc, biểu tượng cho trình độ công nghệ cao của chính họ. Tham vọng không dừng lại ở hệ thống đường sắt cao tốc nội địa mà còn vươn ra những hợp đồng ở nước ngoài. Sau mỗi chuyến công du của các nhà lãnh đạo nước này, trong hầu hết các thỏa thuận ký kết được luôn có các dự án đường sắt với giá trị lớn.

Trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Ấn Độ hồi tháng Chín, một trong những dự án đầu tư quan trọng của Trung Quốc tại Ấn Độ là tuyến đường sắt cao tốc trị giá 100 tỷ USD. Ở Ấn Độ, giao thông công cộng gắn liền với hình ảnh những đoàn tàu hỏa đông nghẹt người. Chính vì vậy, Ấn Độ đã trở thành một trong những đối tác mục tiêu chính của nước này. Hợp tác với Ấn Độ sẽ là bước đệm để Trung Quốc hướng tới thực hiện các kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc từ quốc gia này kết nối với các châu lục khác.

Trong chuyến thăm Nga hồi tháng Mười của Thủ tướng Lý Khắc Cường, lãnh đạo hai nước đã cùng ký kết thỏa thuận đường sắt siêu tốc xuyên Á - Âu, mở ra cánh cửa để Trung Quốc tiến vào lục địa này. Ông Lý Khắc Cường được truyền thông Trung Quốc coi là "nhân viên chào hàng số 1 ngành đường sắt". Gọi như vậy là để nói về tham vọng cải cách ngành đường sắt và vươn ra bên ngoài của Chính phủ nước này, nhất là sau chuyến thăm Anh hồi tháng 6. Ngoài châu Âu, ông Lý Khắc Cường còn mang về cho đất nước nhiều hợp đồng tại châu Phi và Đông Nam Á.

Một kế hoạch đầy tham vọng khác là đường sắt xuyên Thái Bình Dương nối "Trung Quốc - Nga - Canada - Mỹ". Với chiều dài dự kiến 13.000 km, dài hơn tuyến xuyên Siberia hiện có tới gần 3.000 km, tuyến đường sắt này sẽ bắt đầu từ vùng Đông Bắc Trung Quốc, kéo dài tới hết vùng phía Đông Siberia, vượt qua eo biển Bering tới Alaska, tiếp tục rẽ xuống Canada trước khi vươn tới vùng tiếp giáp nước Mỹ.

Một số lộ trình khác đã được đưa vào thực hiện là tuyến nối tới London (Anh) qua hàng loạt các thành phố lớn như Paris, Berlin, Moscow cùng với tuyến thứ hai nối Trung Quốc với châu Âu theo con đường tơ lụa huyền thoại, từ đó tiến tới nước Đức qua Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyến đường sắt trên châu Á, nối Trung Quốc với Singapore sẽ đi xuyên qua Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Malaysia hiện đang trong quá trình triển khai xây dựng.

Theo một số tờ báo nước này, đề xuất về tuyến đường sắt nối Trung Quốc với châu Phi cũng sẽ sớm được Chính phủ nước này xem xét.

Khó khăn không làm thay đổi tư duy

Tuy nhiên, thách thức đối với Trung Quốc khi vươn ra nước ngoài bằng đường sắt cao tốc không hề nhỏ. Đó là việc thuyết phục các quốc gia Trung Á thay thế khổ đường sắt cũ bằng khổ tiêu chuẩn. Đó là những vấn đề an ninh, rào cản ngoại giao, vấn đề tài chính và kỹ thuật cũng như việc "nói và làm" chưa đi đôi với nhau, đặc biệt là lòng tin về chất lượng và tiến độ trong các dự án mà các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận.

Ví dụ như vào tháng Bảy, Chính quyền Myanmar đã đình chỉ một dự án đường sắt dài hơn 1.200 km trị giá hàng chục tỷ USD do Trung Quốc xây dựng từ Côn Minh, miền Nam Trung Quốc, đến thành phố Kyaukpyu, ở bang Rakhine, miền Tây Myanmar. Dự án này mang ý nghĩa chiến lược rất lớn đối với Trung Quốc bởi vì tuyến xe lửa Kyaukpyu - Côn Minh có thể thay thế eo biển Malacca như là con đường đi đến vùng Trung Đông.

Lý do mà chính phủ Myanmar đưa ra cho sự đình chỉ này là do sự chậm tiến độ đến từ phía các nhà thầu Trung Quốc. Nhưng thật ra những phản đối ngày càng mạnh của dư luận Myanmar về tác hại môi trường và xã hội của dự án đường xe lửa mới là nguyên nhân chính buộc chính quyền nước này phải đình chỉ dự án.

Mặc dù vậy, những vấn đề đó không làm thay đổi được tư duy phát triển của quốc gia đông dân nhất thế giới. Với tham vọng vươn ra toàn cầu bằng đường sắt cao tốc, Trung Quốc đã lên kế hoạch mở rộng mạng lưới loại hình giao thông này lên 16.000 km trong năm 2020.

Khó có thể phủ nhận rằng, xuất khẩu đường sắt cao tốc là một biện pháp ngoại giao thiết thực mà Trung Quốc đang áp dụng bởi nó có tiềm năng to lớn về kinh tế cho các doanh nghiệp trong ngành vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách và tạo ra việc làm.

Đoàn Ngọc