📞

Vướng dịch Covid-19, thi THPT quốc gia có nên quay lại kỳ thi “3 chung" rút gọn?

14:23 | 19/04/2020
TGVN. Vì dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khiến cả thế giới chao đảo, ngành giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề khi kỳ thi THPT quốc gia đang tới gần. Vậy thi hay không thi? Thi bằng cách nào? Có nên quay lại kỳ thi “3 chung”?
Kỳ thi THPT quốc gia có thể được tổ chức muộn được do diễn biến phức tạp khó lường của đại dịch Covid - 19. (Nguồn: Dân trí)

Việc thi hay không thi THPT quốc gia còn phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ, Quốc hội nên cần có sự chờ đợi.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng, mọi giải pháp hiện nay chỉ là tình thế, do đó nên giao kỳ thi THPT quốc gia về cho địa phương hoặc quay lại tổ chức thi “3 chung”.

GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Đại học Thương Mại cho biết, nếu bỏ kỳ thi THPT quốc gia (xét tốt nghiệp THPT) hoặc vẫn tổ chức nhưng tinh giản môn thi, tinh giản kiến thức thì đều là giải pháp tình thế hiện nay trong tình dịch Covid-19.

GS Sơn cho rằng, giải pháp tối ưu nhất cho kịch bản không có kỳ thi THPT quốc gia là Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể nghiên cứu, tổ chức kỳ thi "3 chung" rút gọn, rút gọn số môn thi, rút gọn số đợt thi để các trường tuyển sinh. Cụ thể, không tổ chức các môn thi theo các khối A, B, C, D… và không tổ chức 2 đợt như trước kia, mà chỉ tổ chức 1 đợt với 5 hoặc 6 môn thi. Các trường đại học sẽ căn cứ vào đó để xác định các tổ hợp môn thi xét tuyển phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo của trường mình.

Kỳ thi này có thể tổ chức muộn được do diễn biến phức tạp khó lường của đại dịch Covid - 19.

“Kết quả thi này sẽ khách quan hơn rất nhiều so với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia (vì do các trường đại học độc lập tổ chức coi thi và chấm thi, không có sự tham gia của địa phương)” – GS Sơn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho hay, thời điểm hiện nay, quay lại tổ chức kỳ thi "3 chung" rút gọn như đề xuất trên là khá hợp lý vì có thể bảo toàn được hệ thống đăng ký xét tuyển vào các trường Đại học.

Trên thực tế những năm qua cho thấy, nếu không có kỳ thi THPTQG và các trường Đại học tự tổ chức kỳ thi, khi thí sinh muốn xét tuyển vào trường nào thì chỉ có cách đăng ký dự thi vào trường đó (trừ trường hợp các trường liên kết với nhau thành một hệ thống sử dụng chung kết quả một kỳ thi do một trường đại diện tổ chức).

Hiện nay, hệ thống đăng ký xét tuyển chung như vậy chưa có hệ thống thi nào ngoài kỳ thi THPTQG đạt được quy mô lớn và mức độ hoàn thiện về quy chế hoạt động.

Theo TS Nghĩa, ngay khi còn thi tuyển sinh Đại học theo phương thức “ba chung” trước năm 2015 đã có những trường Đại học không tổ chức thi, phần lớn là các trường dân lập, tư thục. Thí sinh muốn xét tuyển vào các trường này sẽ đăng ký “thi nhờ” ở một trường Đại học có tổ chức thi và sau khi có kết quả sẽ chuyển về cho trường Đại học không tổ chức thi xét tuyển.

Một số trường Đại học ở TP Hồ Chí Minh từng rất “thành công” trong việc không tổ chức thi. Gọi là thành công vì trường dù không tổ chức thi (không tốn kém về tài chính và công sức) nhưng vẫn tuyển được thí sinh, thậm chí là thí sinh giỏi.

Trao đổi với phóng viên, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, dịch bệnh Covid-19 kéo dài như hiện nay không biết khi nào mới được khống chế hoàn toàn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo không nhất thiết phải cố gắng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay mà nên đề xuất đưa việc xét tốt nghiệp về địa phương, đồng thời để các trường Đại học tự chủ tuyển sinh. Bộ chỉ có nhiệm vụ đưa ra những chỉ dẫn kiến thức cơ bản và tối thiểu để các trường tự tổ chức kiểm tra, đánh giá.

GS Dong đề xuất: “Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, tổ chức kỳ thi này tại địa phương, tốt nhất là học sinh thi tại nhà trường mà các em đang học. Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chu đáo việc tổ chức thi ở mỗi trường, sao cho kỳ thi diễn ra như một sự kiện bình thường, coi như một cuộc kiểm tra trình độ học vấn phổ thông mà các em đạt được sau 12 năm đèn sách.

Đồng thời, tách thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ra khỏi việc tuyển sinh đại học, tránh thi tốt nghiệp Trung học thành cuộc cạnh tranh vào Đại học. Làm được điều này sẽ bớt đi những tiêu cực trong thi cử, nhất là người lớn can thiệp vào việc chấm thi, tạo ra sự thiếu minh bạch và mất công bằng trong giáo dục".

Theo GS Dong, thi tốt nghiệp THPT là để cho những học sinh đạt được trình độ trung bình trở lên trong thành tích học tập chứ không phải để sàng lọc tài năng vào Đại học. Việc trường Đại học tuyển sinh cần có cách làm riêng của mỗi trường, căn cứ vào mục tiêu đào tạo mà đề ra tiêu chuẩn lựa chọn đầu vào.

Còn việc trường Đại học muốn chọn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT thì cũng là một cách tuyển, miễn đúng với quyền tự chủ mà các trường được trao.

(theo Dân trí)