Trong bối cảnh dịch bệnh, những tháng đầu năm, kinh tế-xã hội, Quảng Ninh vẫn được giữ vững, mục tiêu kép được triển khai từ tỉnh đến các cấp, các ngành. (Nguồn: BQN) |
Duy trì mức tăng trưởng khá bất chấp Covid-19
Năm 2020, Quảng Ninh đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở mức cao, với kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 trên 12%. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, đại dịch Covid-19 đã mang đến những khó khăn ngoài dự đoán.
Trước thực trạng đó, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng báo cáo kịch bản đánh giá tác động của dịch tới tình hình kinh tế-xã hội, đề xuất hướng giải pháp thực hiện với mục tiêu duy trì, khôi phục mạnh mẽ nền kinh tế sau khi dập dịch thành công. Tỉnh cũng tập trung nghiên cứu, kịp thời phát hiện bất cập, vướng mắc để tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách với Trung ương, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh…
Với quyết tâm cao cùng những giải pháp kịp thời, 6 tháng đầu năm, dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Quảng Ninh thể hiện bản lĩnh khi tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) vẫn tăng 5,7%, mức tăng trưởng khá cao so với các tỉnh thành khác trong cả nước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn 5,8% so với cùng kỳ 2019, thấp hơn 4% so với chỉ tiêu kịch bản đặt ra.
Đáng chú ý, cả 3 khu vực kinh tế là nông, lâm, thủy sản; công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất (8,5%) và tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh. Động lực chính tăng trưởng là ngành khai khoáng tăng 4,9% chiếm tỷ trọng 20,6% GRDP, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,2%, chiếm gần 10% GRDP; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt tăng 14,5%, chiếm 18,5% GRDP. Riêng khu vực nông, lâm, thủy sản duy trì ổn định, tăng 3,1%.
Đối với khu vực dịch vụ, dù chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn ghi nhận tăng 0,2%. Tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực triển khai các giải pháp mạnh, kích cầu du lịch với nhiều hoạt động và chương trình khuyến mại như miễn giảm phí vào các điểm thăm quan Vịnh Hạ Long, Bảo tàng tỉnh, danh thắng Yên Tử, khai trương Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, tổ chức chương trình nghệ thuật Chào hè Hạ Long, Hội chợ OCOP, tổ chức xúc tiến kích cầu du lịch tại một số tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk...
Nhờ có các giải pháp kích cầu kịp thời, đến thời điểm hiện tại, các hoạt động du lịch, dịch vụ đã có những dấu hiệu khởi sắc. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh 6 tháng ước đạt 4,19 triệu lượt (bằng 64% so với cùng kỳ), doanh thu du lịch đạt 8.280 tỷ đồng (bằng 52% cùng kỳ), thu ngân sách từ du lịch, dịch vụ đạt 1.275 tỷ đồng, chiếm 7,1% thu nội địa.
Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 928 triệu USD, tăng 3,6% cùng kỳ. Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ như: Than, tơ sợi, xi măng, quần áo các loại… Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh đạt 1.480 triệu USD, tăng 10,3% cùng kỳ. Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đạt 452,2 triệu USD.
Ngoài ra, tình hình cung, cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn được đảm bảo, các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, giá cả cơ bản ổn định, chất lượng đảm bảo. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 57.068 tỷ đồng, tăng 4,1% cùng kỳ.
Quyết không hạ mục tiêu
Qua đánh giá, phân tích bối cảnh tình hình thế giới, trong nước, những khó khăn, vướng mắc trong nội tại kinh tế của tỉnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 12% năm 2020 là thách thức lớn. Tuy nhiên, không vì thế mà Quảng Ninh điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế-xã hội.
Trong nhiều cuộc họp gần đây của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và UBND tỉnh về đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, tỉnh vẫn quyết tâm cán đích. Trong đó, xác định mục tiêu quan trọng quyết định sự thành bại cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 được tỉnh Quảng Ninh xác định, đó là giải ngân vốn đầu tư công.
Trong các tháng tiếp theo, tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch, tập trung vào thị trường du lịch nội địa, thị trường Đông Bắc Á và khách du lịch đến từ các quốc gia, vùng đã kiểm soát được dịch bệnh đến Quảng Ninh, quảng bá tốt hình ảnh cho du lịch Hạ Long, Quảng Ninh là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn” và trở thành lựa chọn hàng đầu của du khách.
Đồng thời, Tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, giao lưu hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hỗ trợ tối đa các hoạt động thông quan, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển thương mại và xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu và lối mở. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển mạnh thị trường, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Đặc biệt, Quảng Ninh cũng đẩy mạnh tạo điều kiện để các nhà đầu tư nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp của tỉnh. Môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tiếp tục được cải thiện, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Thêm vào đó, thời gian tới, Tỉnh chú trọng sản xuất nông, lâm, thủy sản, nhất là đẩy nhanh tốc độ tái đàn lợn, nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản để phục vụ nhu cầu tại chỗ và xuất khẩu. Ngoài ra, phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch dịch vụ để thúc đẩy tiêu thụ, kích thích phát triển sản xuất hàng hóa.