📞

“Vượt rào” phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp phải hợp lực để thành công

16:20 | 13/04/2017
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, thời gian tới, việc gia tăng các rào cản về thương mại sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu. Nếu không tăng cường liên kết, doanh nghiệp sẽ không thể thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu một cách bền vững.

Nhiều chuyên gia dự báo, thời gian tới hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do nhiều nước đã áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Đánh giá của ông như thế nào?

Thời gian tới sẽ có một số yếu tố tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng. Nhu cầu thị trường các nước trên thế giới hiện nay đang có sự suy giảm trong khi nguồn cung lại tăng lên, đặc biệt một số lĩnh vực như sắt thép, xi măng, dệt may, nông sản…Bên cạnh đó là sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu, làm phát sinh các hàng rào thương mại.

Có vẻ như chúng ta đang gặp nhiều thách thức hơn là thuận lợi?

Chúng ta có một số thuận lợi như sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt Chính phủ đang hướng đến phương châm kiến tạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của chúng ta đã có sự trải nghiệm, rèn rũa thông qua hoạt động cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa và tham gia vào một loạt các hiệp định thương mại tự do.

Chúng ta cũng đã có một bước nhảy đà tốt trong những năm vừa qua. Các doanh nghiệp cũng đã làm quen với công tác thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Đây là những thuận lợi rất tốt để có thể tiếp tục đà tăng trưởng trong những năm tới đây.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). (Ảnh: Việt Nguyễn)

Vậy để doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng cao, theo ông cần phải có những giải pháp gì?

Giải pháp cốt lõi là phải có nội lực tốt để có được nguồn hàng xuất khẩu. Nội lực thể hiện ở năng lực của các doanh nghiệp. Hiện nay về mặt gia tăng quy mô thì xuất khẩu đang làm tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể dựa mãi vào đây mà phải hướng đến gia tăng giá trị. Ví dụ, ngành hàng hiện nay có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn như điện thoại, dệt may, da giầy, đồ gỗ… nhưng nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng rất cao, tỷ trọng gia tăng giá trị trong nước cũng chưa phải nhiều. Gia tăng nội lực cũng đồng nghĩa với phải đổi mới công nghệ, phương pháp quản trị.

Về phát triển thị trường, đây là vấn đề chúng ta đã làm khá tốt trong thời gian vừa qua, khi cả Chính phủ và doanh nghiệp đang cùng đồng hành. Thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực lớn trong việc khai phá thị trường thông qua việc đàm phán, ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do.

Việc phát triển thị trường còn phụ thuộc vào khâu xúc tiến thương mại, quảng bá và xây dựng thương hiệu. Việc này Nhà nước không thể làm thay mà chỉ định hướng, hướng dẫn hoặc hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tự tìm hiểu, xây dựng chiến lược để phát triển thị trường của riêng mình.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tăng cường sự liên kết. Mối liên kết này hiện nay còn rất yếu, một số doanh nghiệp phải tự tìm lối đi nhưng việc liên kết cả một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng lớn mạnh thì vẫn chưa phổ biến.

Dịch vụ Logistics – một nghiệp vụ liên quan mật thiết đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng cần phải đẩy mạnh bởi Logistics sẽ giúp cắt giảm chi phí và thời gian của doanh nghiệp. Riêng việc cắt giảm chi phí cũng giúp cho hoạt động tăng trưởng xuất khẩu hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)