Kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021. (Nguồn: Dân trí) |
Họp báo trực tuyến ra mắt báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam với chủ đề “Việt Nam Số hóa - Con đường đến tương lai” do WB tổ chức đã diễn ra chiều 24/8.
Phát biểu tại họp báo, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho hay, sau 17 tháng sống trong đại dịch Covid-19, vaccine ngừa Covid-19 được triển khai tiêm trên diện rộng đang mang đến hi vọng đại dịch sẽ kết thúc và quá trình phục hồi trên toàn cầu đang diễn ra, tuy chưa đồng đều.
Tuy nhiên, bất định về biến thể mới và về tốc độ triển khai tiêm và chấp nhận tiêm vaccine khiến những dự báo về lộ trình đi đến phục hồi hoàn toàn chỉ mang tính dự kiến.
Trong khi một số quốc gia trên thế giới được kỳ vọng sẽ hồi phục lại ngay sau đợt suy thoái kinh tế lớn nhất trong 80 năm qua nhờ chiến dịch tiêm vaccine diện rộng, thì sự lây lan của biến thể mới, như biến thể Delta, đang làm dấy lên nghi ngại về khả năng chấm dứt đại dịch.
Việt Nam phải đối mặt với rủi ro nghiêm trọng
Công bố báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tại họp báo, chuyên gia kinh tế cao cấp WB Dorsati Madani cho rằng, trong bối cảnh bất định trên toàn cầu như vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021, nhưng hiện tại, đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng, bao gồm đợt dịch Covid-19 bùng phát cuối tháng 4/2021.
Sau khi có kết quả xuất sắc về kiểm soát dịch Covid-19 và đạt được tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thuộc hàng cao nhất trên thế giới, ở mức 2,9% năm 2020, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng vững chắc 5,6% trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, một phần do tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp.
Kể từ đầu tháng 5/2021, các hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ ngày càng bị bó buộc bởi các biện pháp khoanh vùng và cách ly xã hội nhằm kiềm chế virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng.
Đến giữa tháng 7/2021, các biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng, các tỉnh phía Nam, TP. Hồ Chí Minh và sau đó là Hà Nội phải thực hiện cách ly xã hội nghiêm ngặt, gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với rủi ro gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi các đối thủ có tốc độ tiêm vaccine vượt trội đang tái khởi động hoạt động sản xuất và có khả năng chiếm lại một số thị phần bị mất vào tay Việt Nam do đứt gãy sản xuất vì dịch Covid-19 năm 2020.
Bà Dorsati Madani nhấn mạnh: "Chính vì thế, nền kinh tế có thể bị mất đi cả động lực tăng trưởng trong nước và động lực tăng trưởng từ khu vực kinh tế đối ngoại, nếu không nhanh chóng kiểm soát đợt bùng phát dịch đang diễn ra".
Chính phủ đã ứng phó bằng cách tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và ban hành gói hỗ trợ tài khóa mới vào đầu tháng 7/2021 ở mức khoảng 1 tỷ USD. Tốc độ triển khai chiến dịch tiêm vaccine diện rộng cũng đã được đẩy nhanh.
Chuyên gia kinh tế cao cấp WB Dorsati Madani tại họp báo. (Ảnh chụp màn hình) |
Ngoài tác động kinh tế vĩ mô, đại dịch cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống hàng ngày của người lao động, doanh nghiệp và hộ gia đình. Nhiều cá nhân đã và đang phải gánh chịu khó khăn kinh tế ngày càng lớn do tình hình kinh tế trong nước đang có chiều hướng xấu đi trong vài tháng qua.
Chẳng hạn, thị trường lao động vẫn chống chịu tương đối vững trong năm đầu của đại dịch, nhưng xu hướng gần đây về việc làm và thu nhập của lao động bắt đầu phản ánh tác động của đợt bùng phát dịch tháng 4/2021.
Về khu vực kinh tế đối ngoại, bà Dorsati Madani thông tin, Việt Nam vẫn duy trì được vị thế tích cực với dự trữ ngoại hối tăng lên, nhưng cả cán cân thương mại hàng hóa và cán cân vãng lai đã trở nên xấu đi trong nửa đầu năm. Việt Nam đã tích lũy được thêm 6,0 tỷ USD dự trữ ngoại hối từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021. Tuy nhiên, nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, trong khi cán cân dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc đóng cửa biên giới quốc gia đối với hầu hết khách quốc tế.
Khu vực kinh tế đối ngoại cũng đã mất đi một phần động lực, vì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giảm 11% trong bảy tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, trong khi cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt sau khi đạt kết quả thặng dư cao chưa từng có trong năm 2020.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với vai trò ngân hàng trung ương, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, trong khi Chính phủ quay về với chính sách tài khóa trung lập hơn trong nửa đầu năm 2021. Tín dụng tăng trưởng khoảng 15% trong những tháng gần đây, so với 10-12% trong năm 2020, cung cấp hỗ trợ đáng hoan nghênh cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chính sách này cũng có thể đem lại rủi ro cao hơn cho khu vực tài chính.
Kinh tế có thể tăng trưởng 4,8%
Trong thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5% đến 7,0% từ năm 2022 trở đi.
Chuyên gia kinh tế cao cấp WB Dorsati Madani nhận thấy, đây là dự báo tích cực, nhưng vẫn thấp hơn 2,0 điểm phần trăm so với dự báo được WB đưa ra trong tháng 12/2020, do tác động tiêu cực liên quan đến đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây và còn phụ thuộc vào một số rủi ro tiêu cực.
Dự báo mới được đưa ra dựa trên giả định rằng, đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý IV/2021. Giai đoạn phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine diện rộng, ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào giữa năm 2022, giúp ngăn ngừa những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng mới.
Trong thời gian còn lại của năm 2021, chính sách tiền tệ vẫn sẽ là nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ chính sách khác nhau và cho phép tái cơ cấu các khoản nợ. Chính phủ có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Các cấp có thẩm quyền cũng cần mở rộng hỗ trợ tài chính thông qua kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt và trợ giá, như đã bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 7/2021.
Đối với khu vực kinh tế đối ngoại, bà Dorsati Madani cho biết, dự báo trên giả định rằng, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn ra sẽ đảm bảo duy trì nhu cầu cao đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ở những thị trường xuất khẩu chủ lực.
Mặc dù triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực nhưng WB nhận định, các cấp có thẩm quyền cần xử lý những rủi ro cao về tài khóa, tài chính và xã hội, bao gồm: Xử lý những hệ quả xã hội của đại dịch, cảnh giác với rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng và cảnh giác với rủi ro tài khóa.
Cũng tại họp báo, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB Jacques Morisset cho rằng, công nghệ số chính là tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang nắm giữ vị thế tốt nhưng chưa đồng bộ để trở thành cường quốc số của thế giới.
Ông Jacques Morisset nhấn mạnh: "Do đó, để thu được nhiều lợi ích từ quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế, ngoài nâng cấp cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần khuyến khích áp dụng công nghệ số và thu hút đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào kinh tế số, tiếp thu và phát triển kỹ năng, bảo mật dữ liệu cá nhân và an ninh mạng.
Song song với đó, Chính phủ Việt Nam sẽ cần tiến hành lộ trình hành động cụ thể như: nâng cao kỹ năng số; bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh tiếp cận thông tin, chất lượng và an ninh".
| Đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp đang tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, ... |
| PGS. TS. Tô Trung Thành: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% gần như chắc chắn không thể đạt được Chia sẻ với TG&VN, PGS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, trong ... |