ông Achim Fock - Giám đốc điều phối Danh mục đầu tư và Hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. |
Bốn ưu tiên phù hợp
Về ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, đại diện WB đánh giá đây là mục tiêu quan trọng của Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa trên nguồn vốn và lao động. Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như tăng cường chia sẻ tri thức để có thể phát triển tốt hơn nữa”, ông Achim Fock khuyến nghị.
Về hội nhập kinh tế và kết nối khu vực, theo WB, Việt Nam đã rất thành công trong lĩnh vực thương mại cũng như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việt Nam cũng đang là một trong những nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng với thế giới, có nhiều hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa sôi động với nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.
Việc khuyến khích sự năng động của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng là một ưu tiên quan trọng, gắn bó mật thiết với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo. “Khi đi sâu phân tích về nền kinh tế Việt Nam, chúng tôi nhận thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp FDI trong khi khu vực tư nhân trong nước vẫn còn bị tụt hậu, đặc biệt là về năng suất lao động. Để làm tốt mục tiêu này, Việt Nam cần gắn kết hơn nữa khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa với các bộ phận khác trong nền kinh tế”, ông Fock nói.
Đề xuất đảm bảo an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu cũng được chuyên gia của WB đánh giá rất cao bởi đây là vấn đề toàn cầu, là thách thức chung của không chỉ Việt Nam mà còn đối với toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đại diện WB khẳng định, cả bốn lĩnh vực ưu tiên được lựa chọn cho Năm APEC 2017 đều phù hợp với các trụ cột chính trong Khung hợp tác chiến lược cấp quốc gia giữa WB và Việt Nam. Phía WB cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu và chiến lược mà hai bên đã đề ra.
“Thông qua APEC, Việt Nam nên trao đổi và học hỏi thêm kinh nghiệm, những thông lệ tốt của các nước và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của mình. Là một định chế tài chính quan trọng bậc nhất, WB cũng tham gia rất tích cực vào Diễn đàn này để chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức của mình giúp Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra trong các chương trình nghị sự”, ông Fock nhấn mạnh.
Các đại biểu quốc tế tham dự Tuần lễ An ninh Lương thực, trong khuôn khổ Hội nghị SOM 3 và các hội nghị liên quan đi thực tế ở Cần Thơ. |
Đối mặt với các thách thức
Theo đại diện WB, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức cản trở tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Về vĩ mô, thời gian gần đây, nợ công của Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng và tiến gần tới mức trần 65% GDP. Đây là mức nợ công đáng báo động nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, kết quả sơ bộ về thu chi ngân sách sáu tháng đầu năm cũng cho thấy áp lực ngân sách vẫn còn tiếp diễn. Do vậy, việc quản lý và kiềm chế tốc độ gia tăng nợ công sẽ là một trong những ưu tiên của Chính phủ trong thời gian tới.
Ông Fock cũng khuyến nghị, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam cần tiếp tục cơ cấu lại theo chiều sâu để tăng năng suất lao động. Bởi năng suất lao động là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng GDP trong những năm đầu của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhưng trong thập niên vừa qua, năng suất lao động đã chững lại. Với từng ngành và từng doanh nghiệp, mức tăng năng suất lao động bị hạn chế bởi một số yếu tố như việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước chưa hoàn thành. Đội ngũ doanh nghiệp tư nhân còn non trẻ chủ yếu gồm các doanh nghiệp quy mô nhỏ, không có công nghệ và không bị áp lực cạnh tranh buộc phải tăng năng suất lao động.
Phát triển đô thị hóa bền vững cũng là một trong những thách thức của nhiều thành viên APEC, trong đó có Việt Nam. Nội dung này đã được đại diện các nền kinh tế APEC, các cán bộ cao cấp thuộc Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và đại diện của các Bộ, ngành, địa phương… thảo luận sôi nổi tại Phiên Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững trong khuôn khổ Hội nghị Các quan chức cấp cao APEC 2017 lần thứ hai (SOM2) ở Hà Nội vừa qua.
Nhìn nhận về thách thức này, ông Fock nhận định, cải thiện môi trường đô thị đòi hỏi phải cân bằng giữa phát triển kinh tế, bền vững môi trường và hướng đến chất lượng sống của cộng đồng. Lúc này là thời điểm để các thành viên APEC suy nghĩ nghiêm túc, xây dựng kế hoạch phát triển đô thị trong thập kỷ tiếp theo. Trong kế hoạch đó, phải có quy hoạch đô thị tốt, đa ngành, đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Bởi quy hoạch đô thị sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân như hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng không ngừng mở rộng…
“Việc thúc đẩy tăng trưởng phải đồng thời với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đầu tư vào hệ thống hạ tầng xanh, bền vững. Và để phát triển bền vững, cần phải tăng cường đối thoại mở giữa các cấp lãnh đạo, các nhà đầu tư, các nhà tài trợ và người dân…”, ông Fock chỉ rõ.
Các đại biểu quốc tế tham dự Tuần lễ An ninh Lương thực, trong khuôn khổ Hội nghị SOM 3 và các hội nghị liên quan đi thực tế ở Cần Thơ. |
TPP là Hiệp định đáng thực hiện
Khi đề cập đến tương lai của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Fock cho rằng đây là Hiệp định đáng đầu tư thực hiện và WB rất hoan nghênh việc tiếp tục thảo luận về Hiệp định này.
Ông Fock tin tưởng việc hội nhập sâu hơn về đầu tư, thương mại hoặc các lĩnh vực liên quan như môi trường và lao động, sẽ có tác động tích cực tới các nước thành viên TPP, trong đó có Việt Nam.
Sau khi Tổng thống Donald Trump quy định rút Mỹ khỏi TPP hồi tháng Giêng, Hiệp định đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Dự kiến, các nội dung liên quan đến Hiệp định sẽ được các nước TPP nhóm họp bên lề Tuần lễ cấp cao APEC từ ngày 10-11/11, tại Đà Nẵng.