Gói Hỗ trợ sẽ giúp các nhóm dễ bị tổn thương bởi Covid -19 nhanh chóng phục hồi (Ảnh: Bảo Lan) |
Theo đó, WB sẽ bổ sung thêm 2 tỷ USD vào gói tài trợ ban đầu được thông qua hôm 3/3 vừa qua. Trong đó bao gồm 6 tỷ USD của WB để củng cố các hệ thống y tế và kiểm soát dịch bệnh và 6 tỷ USD của IFC.
Ông Philippe Le Houérou, Tổng Giám đốc IFC – một thành viên của WB cho biết, gói hỗ trợ sẽ tập trung cho khối khu vực tư nhân, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, là những doanh nghiệp dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc kinh tế, để giảm thiểu các tác động kinh tế - tài chính, thông qua các hoạt động nỗ lực ngăn chặn, ứng phó và kiểm soát sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19.
Cụ thể: Gói hỗ trợ của IFC sẽ chia đều cho 4 nhóm, ngành bao gồm: Nhóm 1 dành cho Chương trình Hỗ trợ Khủng hoảng Khối Ngành Sản xuất - Hàng hóa; Các khách hàng trong lĩnh vực hạ tầng, sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ và các công ty trong lĩnh vực y tế.
Nhóm 2, dành cho Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu, dành cho các công ty nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa của cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhóm 3, dành cho Chương trình Giải pháp Vốn Lưu động nhằm giúp các ngân hàng ở các thị trường mới nổi đủ sức bảo đảm nguồn vốn, để duy trì các khoản vay, gia tăng thời hạn vay, trả các khoản vay và thanh toán lương.
Nhóm 4, dành cho Chương trình Thanh khoản Thương mại Toàn cầu và Chương trình Tài trợ Hàng hóa thiết yếu. Đây là những đối tượng mới vừa được triển khai theo yêu cầu của các quốc gia và đã được phê duyệt ngày 17/3.
“Với gói hỗ trợ khẩn cấp được phê duyệt, chúng tôi cam kết hỗ trợ ứng phó nhanh và linh hoạt nhằm giúp các đối tượng được hưởng trợ giúp, rút ngắn được thời gian phục hồi và tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh”. Chủ tịch Nhóm WB David Malpass nhấn mạnh.
Từng huy động vốn một cách nhanh chóng tại thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và dịch Ebola ở Tây Phi, IFC đã thành công trong việc thực hiện các sáng kiến hỗ trợ để giải quyết những cuộc khủng hoảng toàn cầu và khu vực vốn cản trở hoạt động của khu vực tư nhân và tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, IFC triển khai gói hỗ trợ này thông qua việc gia tăng hạn mức tài trợ thương mại lên 294 triệu cho 4 NHTM hôm 22/2, bao gồm: Ngân hàng TMCP An Bình, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.