📞

WEF - ASEAN 2017: Tạo đà phát triển cho 50 năm tiếp theo

09:47 | 11/05/2017
Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF - ASEAN) tại Phnom Penh, Campuchia từ ngày 11-12/5/2017.

Hội nghị WEF – ASEAN năm 2017 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kỷ niệm 50 năm thành lập. Với chủ đề “Thanh niên, Công nghệ và Tăng trưởng: Phát huy các lợi thế của ASEAN về nhân khẩu học và công nghệ số”, tuyên bố từ nước chủ nhà Campuchia cho biết, sự  kiện năm nay sẽ tập trung vào cách tiếp cận, giải quyết bài toán mở rộng lực lượng lao động trẻ và năng động của khu vực, nhằm xây dựng tương lai tươi sáng hơn cho châu Á-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Klaus Schwab tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 47 tại thành phố Davos, Thụy Sĩ. (Nguồn: TTXVN)

Khơi dậy lợi thế về nhân khẩu học

WEF nhận định rằng, 50 năm qua các nước ASEAN đã hợp tác để cùng nhau tiến tới thống nhất và thúc đẩy thịnh vượng chung. Nhưng con đường ở phía trước có thể mang lại 50 năm thịnh vượng tiếp theo hay không phụ thuộc vào việc Cộng đồng ASEAN có thể khai thác triệt để những điểm mạnh vốn có của mình và vượt qua những thách thức ngày càng gia tăng trong tương lai.

Trong số nhiều điểm mạnh, dân số trẻ được cho là một trong những điểm nổi trội của khu vực ASEAN với trên 630 triệu người, chiếm 8,6% tổng dân số thế giới, trong đó hơn một nửa dưới 30 tuổi. Dân số ASEAN lớn hơn dân số của cộng đồng chung châu Âu, đứng thứ ba thế giới, chỉ sau hai siêu cường dân số Trung Quốc và Ấn Độ.

Dự báo đến năm 2030, cộng đồng chung ASEAN sẽ có khoảng 725 triệu người và sẽ tăng lên 793 triệu người vào năm 2050, thực trạng này hứa hẹn một sự phân chia nhân khẩu học mạnh mẽ, có thể thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong những năm tới. Nhân khẩu học cũng đóng vai trò quan trọng, tác động mạnh tới quá trình chuyển đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

ASEAN hiện là thị trường Internet phát triển nhanh nhất trên thế giới. Báo cáo gần đây của Google cho thấy, mỗi ngày dân số trực tuyến của khu vực lại tăng thêm 124.000 người. Tốc độ tăng trưởng này còn tiếp tục duy trì trong khoảng năm năm tới. Với trí tuệ nhân tạo, phương tiện thông minh, tiến bộ nhanh chóng trong di truyền học, khoa học vật liệu, siêu tự động hóa giá rẻ…, khi nền kinh tế kỹ thuật số thật sự bắt đầu, nó sẽ kích thích các ngành công nghiệp mới, thúc đẩy các mô hình kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, công nghệ luôn đi kèm với nhiều thách thức. Khi robot trở nên rẻ hơn, liệu sản xuất vẫn có thể là con đường để tạo ra việc làm? Khu vực đào tạo nhân lực công nghệ cần phải như thế nào mới thực sự tạo nên một hệ sinh thái phát triển mới? Chính sách của mỗi nước đòi hỏi phải thay đổi ra sao để Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư có môi trường thuận lợi để phát triển?…

Bởi vậy, chưa có gì được đảm bảo để ASEAN có thể tối đa hoá lợi ích từ các lợi thế. Tiềm năng mạnh mẽ của khu vực ASEAN chỉ được biến thành hiện thực nếu chính phủ và doanh nghiệp cùng nhau đưa ra những giải pháp phù hợp. Theo nghiên cứu của WEF, phần lớn các nước ASEAN đang rất cần một sự tiến bộ vượt bậc trong giáo dục, năng lực cạnh tranh, kinh tế số, thương mại xuyên biên giới, quản trị và nhiều lĩnh vực khác.

Giảm thủ tục lễ tân, bàn thực chất

Từ năm 2016, WEF quyết định đổi tên Hội nghị WEF Đông Á thành Hội nghị WEF - ASEAN, cho thấy sự coi trọng của WEF đối với ASEAN, sau khi khu vực hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Bên cạnh WEF Davos nổi tiếng tại Thụy Sỹ, cùng với châu Âu, Mỹ Latin, châu Phi, WEF – ASEAN đã trở thành một trong những diễn đàn quy mô khu vực quan trọng. Các hoạt động, sáng kiến của WEF tạo nên sự khác biệt, xây dựng nên kênh tiếp xúc quan trọng, thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo đại diện từ nhiều thành phần, cùng bàn luận về những vấn đề kinh tế - phát triển, các vấn đề toàn cầu và đưa ra các giải pháp cho những thách thức.  

Các phiên họp của WEF thường ngắn gọn, trọng tâm (khoảng 45 phút/phiên), có tính tương tác cao thông qua thảo luận trực tiếp giữa các diễn giả, ít sử dụng các bài phát biểu dài chuẩn bị từ trước, dành thời gian cho đối thoại giữa các nhà lãnh đạo các nước, các học giả, chuyên gia, doanh nghiệp… Các phiên họp, tiếp xúc được tiến hành với các cách thức gần gũi nhất, ít thủ tục, lễ tân ngoại giao, có khi diễn ra ở một phòng họp nhỏ, thậm chí một góc phòng, một bàn cà phê, hoặc đơn giản chỉ là hai chiếc ghế. 

Vẫn với phong cách đó, WEF - ASEAN ở Campuchia lần này đã thu hút hơn 750 đại biểu là lãnh đạo các nước, từ doanh nghiệp, giới học giả và xã hội dân sự. Họ sẽ không chỉ đến để tranh luận những câu hỏi lớn được đặt ra, mà quan trọng hơn là tìm kiếm các giải pháp, cùng hành động vì sự phát triển đồng đều và bao trùm trong ASEAN.