Với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế thế giới và gần 1.000 đại biểu đến từ các Tập đoàn đa quốc gia, WEF ASEAN là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất trong năm 2018 do Việt Nam tổ chức. Hội nghị diễn ra từ ngày 11-13/9/2018, với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0”.
Phát biểu bế bạc Hội nghị WEF ASEAN, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết, sau 2 ngày làm việc với 60 phiên thảo luận sôi nổi và thực chất, WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu bế mạc Hội nghị. (ảnh: Nguyễn Hồng) |
Theo Phó Thủ tướng, chỉ có đổi mới sáng tạo với tầm nhìn đa chiều mới đưa các quốc gia, doanh nghiệp tiến lên trong thế giới ngày nay. Do đó, Chính phủ và doanh nghiệp các nước ASEAN cần tiếp tục phát huy nội lực, tạo môi trường cho thuận lợi cho sáng tạo, cho cái mới nảy nở và lan toả, tạo nên động lực tăng trưởng mới và phát triển thịnh vượng trong thế giới đang chuyển động nhanh bởi công nghệ mới.
“Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng và đang nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ được sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển năng động của quốc gia.” - Phó Thủ tướng cho hay.
Theo lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, thế giới số siêu kết nối thông minh tạo cơ hội cho mọi người dân khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mơi; xây dựng nền giáo dục mở thông minh cho toàn dân là nền tảng và phương cách quan trọng để thúc đẩy sáng tạo, bảo đảm mọi người dân điều được thụ hưởng cơ hội và lợi ích của tiến bộ công nghệ.
“Tôi hoan nghênh Hội nghị đã đưa ra nhiều ý tưởng, khuyến nghị, trang bị cho người dân, nhất là thế hệ trẻ các kỹ năng mới, đặc biệt là kỹ năng số, để làm chủ công nghệ mới và đáp ứng các yêu cầu của việc làm mới. Đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào giáo dục thông minh tại các nước ASEAN.” - Phó Thủ tướng nói.
Đề cập tới sự biến chuyển nhanh chóng của thế giới đặt ra những thách thức lớn cho ASEAN trong hiện thực hoá tầm nhìn cộng đồng ASEAN năm 2025, Phó Thủ tướng cho rằng, cùng với tăng cường đoàn kết nội lực, phát huy tự cường, ASEAN đang mở rộng hợp tác với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, WEF là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới và sáng tạo, mang tầm chiến lược toàn cầu: “Chúng tôi kỳ vọng vào sự hợp tác trong thời gian tới và mong muốn WEF phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN để hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến thiết thực đã được lãnh đạo các nước ASEAN nêu tại hội nghị, thành các chiến lược, kế hoạch hợp tác cụ thể.”.
Thông qua WEF ASEAN, Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam mong muốn cùng WEF thúc đẩy đối thoại và tăng cường quan hệ đối tác, mở rộng đối tượng vì một khu vực Đông Nam Á hoà bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng, Hội nghị WEF ASEAN 2018 là cơ hội tuyệt vời để cảm nhận lịch sử, văn hóa và sức sống vươn lên của Việt Nam - đất nước thanh bình, với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những bãi biển dài cát trắng, những hang động kỳ vĩ và ẩm thực độc đáo. Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm, điểm đến đầu tư hấp dẫn; nơi nhiều tập đoàn đa quốc gia và thành viên của WEF chọn là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng khu vực toàn cầu.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cảm ơn Chủ tịch WEF và WEF vì sự ủng hộ quý báu và phối hợp hiệu quả trong suốt quá trình chuẩn bị, quá trình diễn ra Hội nghị WEF ASEAN.
Năm 2010, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á (tiền thân của Hội nghị WEF ASEAN). Năm 2016, theo sáng kiến của Việt Nam, Hội nghị WEF về khu vực Mekong lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội nhằm kết nối, quảng bá khu vực Mekong với các tập đoàn lớn của thế giới.
Hội nghị WEF ASEAN năm 2018 tại Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục được đẩy mạnh, tình hình thế giới và khu vực biến chuyển nhanh và phức tạp, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng sâu sắc. Chủ đề của Hội nghị được chính giới, doanh nghiệp, bạn bè và đối tác quốc tế, nhất là các nước ASEAN, tích cực hưởng ứng, đánh giá cao.
Trên cương vị nước chủ nhà, lãnh đạo Việt Nam khẳng định trọng trách cùng WEF và các nước ASEAN tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng và hình thành các ý tưởng, định hướng lớn về phát triển của các nước ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm góp phần thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025 vì lợi ích và sự phát triển của cả khu vực và từng quốc gia, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.