📞

WEF Davos 2016 bỏ ngỏ nhiều vấn đề "nóng"

22:09 | 25/01/2016
Khi những vấn đề lớn và thời sự “đốt nóng” Diễn đàn Kinh tế thế giới, việc tìm được tiếng nói chung quả không hề dễ dàng.
WEF thường niên lần thứ 46 tổ chức tại Davos-Klosters (Thụy Sỹ).  (Nguồn: CNBC)

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên lần thứ 46 tại thành phố Davos-Klosters của Thụy Sĩ đã khép lại trong bối cảnh an ninh được thắt chặt. 40 nguyên thủ quốc gia và hơn 2.500 quan khách đã có những ngày làm việc căng thẳng bởi hàng loạt các vấn đề lớn, đang tạo những nguy cơ bao trùm thế giới. Tuy nhiên, chỉ có thể là những phân tích và kêu gọi, đa số các vấn đề vẫn buộc phải bỏ ngỏ.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Klaus Schwab - nhà sáng lập, Chủ tịch WEF đã kêu gọi sự đối thoại, hợp tác nhằm sớm đưa thế giới trở lại quỹ đạo. Nhưng khi những vấn đề lớn và thời sự “đốt nóng” Diễn đàn thì việc tìm được tiếng nói chung quả không hề dễ dàng. Chiến lược gia phân tích chính trị toàn cầu của CitiGroup Tina Fordham cho rằng, thế giới sẽ chứng kiến sự xung đột giữa các quốc gia ngày càng tăng lên, bên cạnh hoạt động khủng bố; các hệ thống chính trị chịu áp lực căng thẳng trước cuộc khủng hoảng di dân… Còn phát biểu của Nhà kinh tế trưởng Willem Buiter cũng không mấy dễ chịu rằng, thế giới sẽ duy trì tăng trưởng ở mức “xoàng”. Mức độ tăng trưởng này cùng với các chính sách kích thích sẽ không đủ mạnh để giải quyết những thách thức mà thế giới phải đối mặt.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Chủ đề chính thức của diễn đàn WEF năm nay là “Làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” với dự báo có thể làm thay đổi bộ mặt của nền kinh tế thế giới. Sự trỗi dậy không ngừng nghỉ của những máy móc tự động, ngày càng thông minh, đã trở thành một xu hướng lớn. Cuộc cách mạng này có thể làm biến đổi sâu sắc cấu trúc các nền kinh tế.

Một báo cáo chỉ ra rằng, sự kết hợp giữa công nghệ người máy và trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế con người trong rất nhiều công việc, đến mức việc tuyển dụng nhân sự theo số đông sẽ phải chấm dứt. Thậm chí ngay cả giới “cổ cồn trắng” cũng bị đe dọa, tầng lớp trung lưu có thể sẽ biến mất trong một “thế giới không có việc làm”. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, sau khi nhiều chuyên gia dự báo rằng, máy móc thông minh có thể đảm nhiệm một nửa số lượng công việc mà chúng ta đang làm. Trong khi đó, thực tế này đang mang lại nhiều cơ hội kinh doanh.

Theo Báo cáo “Tương lai của việc làm”, vừa công bố tại WEF, 7,1 triệu việc làm sẽ dư thừa vào năm 2021, trong khi chỉ có 2,1 triệu việc làm mới được tạo ra - chủ yếu trong các lĩnh vực chuyên môn cao như tin học, toán học, kiến trúc, kỹ thuật... Số phụ nữ bị mất việc sẽ nhiều hơn nam giới vì phụ nữ khó thích nghi với công nghệ mới trong các công việc làm mới.

Tự động hóa làm tăng năng suất máy móc và vì thế người ta chỉ cần đầu tư ít vốn hơn mà vẫn thu được kết quả tương ứng, hoặc còn nhiều hơn. Đầu tư sẽ ngày càng ít hơn, dẫn đến tình trạng thừa mứa tiền gửi không thể đầu tư được và do đó làm thu hẹp quy mô nền kinh tế.

Robot đi bộ biểu diễn tại sự kiện bên lề WEF 2016. (Nguồn: Reuters)

Chủ nghĩa khủng bố và khủng hoảng di cư

Khủng hoảng di cư là chủ đề chính trong ngày thảo luận thứ 3. Tại đây, một số người tị nạn được mời tới Davos để chia sẻ câu chuyện của mình. Thậm chí, nếu muốn, các doanh nhân, chính trị gia còn có thể trải qua một tiếng đồng hồ trải nghiệm một phần những thống khổ và cay đắng của “người di cư”. Tất cả những điều đó chỉ muốn nói lên nỗ lực hơn bao giờ hết của WEF để tìm ra một giải pháp.  

Tuy nhiên, chỉ trong nửa đầu tháng 1/2016, số người di cư đến châu Âu bằng thuyền đã cao gấp 10 lần so với cả tháng Giêng năm ngoái. Và dường như cuộc khủng hoảng di cư, cùng với những vụ tấn công khủng bố gần đây, đã đẩy châu Âu tới giới hạn và buộc châu lục này phải có những thay đổi trong chính sách?   

Các nước châu Âu tuyên bố, họ không đủ khả năng để tiếp nhận vô hạn dòng người di cư ồ ạt đổ vào. Đức - một trong những nước đã tiếp nhận nhiều người di cư nhất kể từ đầu cuộc khủng hoảng, cũng cho rằng các nước khác cần chia sẻ gánh nặng. Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic đã lên tiếng chỉ trích những chính sách đóng cửa biên giới của nhiều nước châu Âu. Những tranh cãi này cho thấy, vẫn còn rất khó khăn để các nước châu Âu tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.

Thế nhưng, trên thực tế, chính những người di cư họ cũng không còn lựa chọn nào khác, bởi cuộc sống tại quê hương họ đã trở thành địa ngục.

Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi

Sau một thập kỷ tăng trưởng ở mức hai chữ số, kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Nguy cơ về những hệ lụy từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là một trong những lý do Hội nghị Davos lần này dành riêng một chủ đề “Nền kinh tế Trung Quốc đang tiến về đâu?”.

Ngành công nghiệp nặng và xây dựng của Trung Quốc “thất thế’, khiến giá cả hàng hóa đã giảm xuống thấp nhất trong 10 năm gần đây. Giới đầu tư nước ngoài càng hoảng sợ khi chứng kiến từ sự phá giá mạnh của đồng Nhân dân tệ liên tiếp từ tháng 8/2015, đến những cú lao dốc “kinh hoàng” của thị trường chứng khoán Trung Quốc những ngày qua. Bắc Kinh bị cho là đã áp dụng những chính sách chưa rõ ràng về tỷ giá hối đoái, thị trường tài chính phập phù, và phản ứng quá muộn để trấn an giới đầu tư quốc tế.  

Đáp lại những chỉ trích, Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều cho rằng, những biến động trên thị trường tiền tệ bị ảnh hưởng bởi các nhân tố thị trường, Chính phủ Trung Quốc không có ý định hay chính sách phá giá đồng tiền. Tuy nhiên, ông Lý cũng cho rằng, Nhân dân tệ không phải là đồng tiền duy nhất thay đổi trong thời gian gần đây, đã có những biến động lớn hơn nhiều, như đồng Rupee của Ấn Độ, động thái tăng lãi suất cơ bản của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED)...

Trong đó, việc USD mạnh hơn và lãi suất cao hơn đã chi phối các dòng tiền chảy khỏi các thị trường mới nổi để đổ về các thị trường tài chính Mỹ. Tình trạng ảm đạm của dòng đầu tư vào các thị trường mới nổi lần đầu tiên xuất hiện kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. USD mạnh hơn cũng có nghĩa là các nước đang phát triển gặp khó khăn lớn do giá trị thực của các khoản nợ tính bằng USD tăng lên… Cùng với nhiều khó khăn, các nền kinh tế mới nổi bị dự báo sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2016, giống như đã xảy ra trong năm ngoái.

Một hệ lụy từ thị trường chứng khoán Trung Quốc đã cho thấy sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán thế giới ngay trong những ngày đầu năm, khiến tài sản của nhiều doanh nhân tại Davos bị vơi đi đáng kể. Vì thế, một một đề tài lớn đã được đặt ra, liệu kinh tế thế giới có đang tiến tới một cuộc sụp đổ mới hay không?

Tất nhiên, cái tên Trung Quốc lại được nhắc đến đầu tiên. Có những người lạc quan cho rằng, kinh tế Trung Quốc chỉ chậm lại, không phải là suy thoái và triển vọng dài hạn vẫn tốt đẹp. Nhưng không ít người lo lắng Trung Quốc đã “hắt hơi”, thì cả thế giới sẽ “sổ mũi”.

“Brexit”

Cuộc khủng hoảng nợ của Eurozone đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu tại Davos năm nay. Thay vào đó là sự kiện Vương quốc Anh dự định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để lựa chọn sẽ ở lại hay rời khỏi EU (Brexit). Việc rời khỏi EU sẽ có ảnh hưởng như thế nào với kinh tế Anh và liệu nước Anh có tái gia nhập các thỏa thuận thương mại giống như cũ hay không còn là một điều không rõ ràng.

Theo khảo sát của tờ Financial Times, đa số các chuyên gia kinh tế đều tin rằng việc rời khỏi EU sẽ làm tổn hại tới sự thịnh vượng trung hạn của nước Anh. Tại Diễn đàn Davos, Thủ tướng Pháp Manuel cũng lên tiếng cảnh báo việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ là điều tồi tệ cho cả hai bên.

Cuộc trưng cầu dân ý mặc dù đang gây chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền có động cơ chính trị xoay quanh mối lo ngại đối với chính sách nhập cư và sự kiểm soát của các quan chức EU. Tuy nhiên, tại Davos, Thủ tướng Anh David Cameron vẫn lên tiếng mặc cả với  các lãnh đạo EU đóng tại Brussels, rằng ông muốn tương lai của nước Anh được đảm bảo trong một khu vực EU cải cách. Thủ tướng Anh cũng cho biết, Chính phủ nước này sẽ không vội vàng tổ chức trưng cầu dân ý mà sẽ trông đợi vào một thỏa thuận hợp lý với Brussels.

An ninh được thắt chặt tại WEF 2016. (Nguồn: FT)

Hố sâu bất bình đẳng

Diễn đàn Davos là nơi lý tưởng để nhắc nhở các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về tình trạng bất bình đẳng của thế giới. Báo cáo của tổ chức Oxfam công bố trước khai mạc Diễn đàn đã nêu lên một thực tế chưa từng có: 62 người giàu nhất thế giới sở hữu khối tài sản bằng 3,5 tỉ người nghèo nhất cộng lại; 1% dân số thế giới giàu nhất có tổng tài sản lớn hơn tổng tài sản của 99% dân số còn lại... Của cải vật chất ngày càng tập trung vào tay một nhóm nhỏ các tỉ phú và bất bình đẳng đang lan rộng ở khắp nơi.

Tổ chức Save The Children cảnh báo, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư sẽ đào sâu thêm hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, bởi máy móc tự động có thể nhanh chóng giúp người có tiền giàu nhanh hơn, nhưng nó hủy diệt cơ hội việc làm của những người có trình độ thấp, và làm trầm trọng thêm nạn thất nghiệp ở những nền kinh tế đang phát triển.