Đây là một trong những kết quả nổi bật từ cuộc khảo sát thường niên lần thứ 22 của hãng kiểm toán toàn cầu PricewaterhouseCoopers (PwC) với 1.300 CEO trên toàn thế giới, được công bố tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (WEF Davos) 2019. Kết quả này trái ngược hoàn toàn với năm ngoái, khi mà có tới 57% các CEO lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu (tăng kỷ lục từ 29% năm trước đó).
Tuy vậy, không phải tất cả đều nhìn nhận tương lai một cách u ám: 42% người trả lời khảo sát vẫn thấy triển vọng kinh tế được cải thiện, mặc dù con số này giảm đáng kể so với mức 57% trong năm 2018.
Nhìn chung, kỳ vọng của các CEO về tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị phân cực hơn trong năm nay nhưng đều có xu hướng giảm. Sự thay đổi rõ rệt nhất là ở Bắc Mỹ, nơi tỷ lệ các CEO lạc quan giảm từ 63% năm 2018 xuống còn 37% do sự suy giảm của các chính sách kích thích tài khóa và các căng thẳng thương mại mới nổi. Khu vực Trung Đông cũng chứng kiến sụt giảm lớn (từ 52% xuống 28%) do bất ổn kinh tế khu vực gia tăng.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên, PwC đều công bố kết quả khảo sát niềm tin của các CEO toàn cầu. (Nguồn: Getty Images) |
Mức độ lạc quan giảm cũng tác động đến các kế hoạch tăng trưởng tại nước ngoài của các CEO. Mỹ vẫn giữ vững vị trí là thị trường hàng đầu để tăng trưởng (27% người trả lời chọn), tuy có giảm đáng kể so với tỷ lệ 46% năm 2018. Thị trường hấp dẫn thứ hai là Trung Quốc (giảm xuống 24% từ 33% năm 2018). Nhìn chung, Ấn Độ là ngôi sao đang lên trong danh sách năm nay. Quốc gia này gần đây đã vượt qua Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất.
Giảm niềm tin vào triển vọng tăng trưởng doanh thu
Sự lo lắng về khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang làm giảm niềm tin của các CEO vào triển vọng của chính doanh nghiệp mình trong ngắn hạn. 35% các CEO cho biết họ rất tự tin về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp họ trong 12 tháng tới, giảm từ mức 42% năm 2018.
Kết quả khảo sát tại một số quốc gia cụ thể phản ánh xu hướng chung của toàn cầu: Trung Quốc: số người trả lời “rất lạc quan” giảm từ 40% năm 2018 xuống còn 35% năm nay - do căng thẳng thương mại, thuế quan của Mỹ và nền sản xuất công nghiệp suy yếu Mỹ: giảm từ 52% xuống 39% - do căng thẳng thương mại và nền kinh tế phát triển chậm lại Đức: giảm từ 33% xuống 20% - do căng thẳng thương mại, nền kinh tế phát triển chậm lại và nguy cơ Brexit diễn ra một cách lộn xộn Argentina: giảm từ 57% xuống 19% - do suy thoái kinh tế và sụp đổ tiền tệ Nga: giảm từ 25% xuống 15% - do nhu cầu xuất khẩu giảm, biến động tiền tệ và tỷ lệ thất nghiệp tăng |
Để thúc đẩy doanh thu trong năm nay, các CEO dự định sẽ chủ yếu dựa vào cải thiện hiệu quả hoạt động (77%) và tăng trưởng hữu cơ (71%).
Sự tin tưởng vào thị trường Mỹ vẫn cao nhất dù có giảm so với 2017
Mỹ vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong số các thị trường tiềm năng để tăng trưởng trong 12 tháng tới. Tuy nhiên, nhiều CEO cũng đang chuyển sang các thị trường khác, thể hiện qua việc giảm đáng kể tỷ lệ người trả lời chọn Mỹ, từ 46% năm 2018 xuống chỉ còn 27% vào năm 2019. Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách với Mỹ, nhưng mức độ thu hút của quốc gia này cũng giảm từ 33% năm 2018 xuống 24% năm 2019.
Do cuộc xung đột thương mại đang diễn ra với Mỹ, các CEO của Trung Quốc đã đa dạng hóa thị trường để tăng trưởng, khi mà chỉ 17% chọn Mỹ (giảm từ 59% năm 2018).
Ba quốc gia còn lại trong Top 5 về tăng trưởng là Đức (13%, giảm từ 20% năm 2018), Ấn Độ (8%, giảm từ 9%) và Anh (8%, giảm từ 15%).
Theo ông Bob Moritz, chuyên gia của PwC, việc Trung Quốc quay lưng lại với thị trường Mỹ và chuyển dịch đầu tư sang các nước khác là một cách phản ứng trước những bất ổn từ tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong số các CEO “cực kỳ quan ngại” về các xung đột thương mại, 88% đặc biệt lo lắng về các vấn đề thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. 98% các CEO Mỹ và 90% các CEO Trung Quốc đã lên tiếng về những lo ngại này. (Nguồn: American Progress) |
Thách thức tăng trưởng: Do nền kinh tế gây ra
Khi các chỉ số cho thấy nền kinh tế toàn cầu có thể sắp bước vào giai đoạn suy giảm, nhiệm vụ chính của nhiều CEO giờ đây là ứng phó với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ tại các thị trường nơi họ hoạt động. Xung đột thương mại, bất ổn chính sách và chủ nghĩa bảo hộ đã thay thế khủng bố, biến đổi khí hậu và gia tăng gánh nặng thuế trong danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với tăng trưởng.
Trong số các CEO “cực kỳ quan ngại” về các xung đột thương mại, 88% đặc biệt lo lắng về các vấn đề thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. 98% các CEO Mỹ và 90% các CEO Trung Quốc đã lên tiếng về những lo ngại này.
Trong số những CEO Trung Quốc trả lời là “cực kỳ quan ngại” về các xung đột thương mại, phần lớn đang áp dụng cách phản ứng mạnh mẽ: 62% đang điều chỉnh chuỗi cung ứng và chiến lược tìm nguồn cung ứng. 58% đang điều chỉnh chiến lược tăng trưởng của họ sang các quốc gia khác.
PwC đã thực hiện 1.378 cuộc phỏng vấn với các CEO tại 91 quốc gia từ tháng 9 đến tháng 10/2018. Mẫu khảo sát được lập tương ứng với GDP quốc gia để đảm bảo rằng các quan điểm của CEO được thể hiện công bằng trên tất cả các khu vực địa lý. 10% các cuộc phỏng vấn được thực hiện qua điện thoại, 73% trực tuyến và 10% qua đường bưu điện hoặc gặp trực tiếp. Tất cả các cuộc phỏng vấn định lượng được thực hiện trên cơ sở bảo mật danh tính. 48% công ty có doanh thu từ 1 tỷ đô la trở lên: 36% công ty có doanh thu từ 100 triệu đến 1 tỷ đô la; 15% công ty có doanh thu lên tới 100 triệu USD; 59% công ty thuộc sở hữu tư nhân.