WEF Davos 2024 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 15-19/1, tại thị trấn nghỉ mát Davos nổi tiếng của Thụy Sỹ. (Nguồn: bnnbreaking) |
Hội nghị thường niên WEF Davos lần thứ 54 dự kiến sẽ hội tụ nhiều tên tuổi hàng đầu thế giới tới đối thoại và họp bàn hợp tác, nhằm giải quyết nhiều vấn đề cấp bách toàn cầu, bao gồm tăng trưởng kinh tế, hành động về khí hậu và thiên nhiên, an ninh năng lượng, quản trị công nghệ và phát triển con người.
Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành của WEF, chia sẻ: “Chúng ta phải đối mặt với một thế giới rạn nứt và sự chia rẽ xã hội ngày càng gia tăng, dẫn đến sự bất ổn và bi quan lan rộng”. “Chúng ta phải xây dựng lại niềm tin vào tương lai của mình bằng cách vượt ra ngoài quản lý khủng hoảng, xem xét nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề hiện tại và cùng nhau xây dựng một tương lai hứa hẹn hơn”, Gáo sư Schwab nói thêm..
Hội nghị năm nay sẽ đề cập những diễn biến toàn cầu mới nhất và tìm cách đưa ra các giải pháp sáng tạo, thiết thực nhằm khôi phục và tái định hình sự hợp tác cần thiết, nhằm thúc đẩy khả năng phục hồi và an ninh.
Theo công bố, Hội nghị WEF Davos 2024 đã nhận được khẳng định tham dự của khoảng 3.000 đại biểu, trong đó gồm 70 nhà Lãnh đạo quốc gia, 250 Bộ trưởng, 2.500 lãnh đạo các tập đoàn, các tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia, học giả uy tín.
Trong số những nhân vật nổi tiếng tham gia, có Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres; Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva; Chủ tịch Nhóm Ngân hàng thế giới Ajay S. Banga; Người đứng đầu Tổ chức Thương mại thế giới Ngozi Okonjo-Iweala và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
WEF Davos 2024 chính thức chọn chủ đề Rebuilding Trust - “Tái thiết lòng tin” sẽ tập trung trao đổi và đề xuất các giải pháp đối với 4 nhóm vấn đề, gồm: Thúc đẩy an ninh và hợp tác cùng có lợi trong một thế giới phân mảnh; Xây dựng chính sách kinh tế phù hợp với kỷ nguyên mới; Chiến lược dài hạn đối với khí hậu, tự nhiên và năng lượng; và Trí tuệ nhân tạo là động lực cho phát triển kinh tế và xã hội.
Trong đó, một số chủ đề thảo luận "nóng" được cho là sẽ thu hút sựu quan tâm đặc biệt, bao gồm: An ninh và hợp tác trong một thế giới rạn nứt; Tạo tăng trưởng và việc làm cho kỷ nguyên mới; Trí tuệ nhân tạo là động lực cho nền kinh tế và xã hội; Chiến lược dài hạn về khí hậu, thiên nhiên và năng lượng.
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là AI, rất có thể sẽ chiếm vị trí trung tâm trong các cuộc thảo luận, cùng với các chủ đề khác xung quanh “hợp tác trong một thế giới rạn nứt”, “việc làm cho kỷ nguyên mới” và “chiến lược về khí hậu, thiên nhiên và năng lượng”.
Nói về chủ đề "Tái thiết lòng tin", trang web của Hội nghị nêu rõ, “Chương trình thể hiện tinh thần quay về những điều cơ bản của cuộc đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng giữa các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự. Mục tiêu là giúp kết nối giữa các đối tượng trong một môi trường ngày càng phức tạp, đồng thời mang lại tầm nhìn mới, bằng cách giới thiệu những tiến bộ mới nhất trong khoa học, công nghiệp và xã hội”.
WEF là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công – tư, được Giáo sư Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ.
WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau. Các đối tác thành viên của WEF phải nộp phí thành viên trong khoảng 60.000 Franc đến 600.000 Franc Thụy Sỹ, tùy theo cấp độ khác nhau.
WEF là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về Cách mạng công nghiệp 4.0 và hiện đang thực thi một số sáng kiến cụ thể và thực chất liên quan như Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) tại Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản và Trung tâm an ninh mạng với sự tham gia của 92 đối tác.
Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hàng năm tại Davos. Bên cạnh đó là các diễn đàn khu vực: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF ASEAN… Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu - học thuật… hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Trong hoạt động không ngừng nghỉ, WEF Davos đã chứng minh tính hiệu quả bằng nhiều kết quả thực tế. Chẳng hạn, năm 1988, WEF đã "môi giới" thành công cho hòa bình giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đến việc ký kết Tuyên bố Davos. Mới đây nhất, Davos cũng là bệ phóng cho Gavi, liên minh vaccine, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vaccine Covid-19 cho các nước kém phát triển và đang phát triển.
Davos nổi tiếng với môn trượt tuyết - thị trấn trên dãy Alps của Thụy Sỹ đã trở thành tâm điểm chú ý của hành tình mỗi dịp đầu năm mới - nơi giới tinh hoa của thế giới tụ họp để giải quyết các câu hỏi cấp bách của thời đại.
Quan hệ Việt Nam và WEF ngày càng chặt chẽ Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam đã 4 lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ (2007, 2010, 2017, 2019) (các năm khác thường tham dự ở cấp Phó Thủ tướng); 4 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN (trước năm 2016 là WEF Đông Á) cấp Thủ tướng Chính phủ (2012, 2013, 2014 và 2017) (các năm khác thường ở cấp Phó Thủ tướng Chính phủ). Lãnh đạo Việt Nam và WEF cùng đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, trao đổi cấp cao, đặc biệt giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Giáo sư Klaus Schwab tại Hội nghị WEF Thiên Tân (tháng 6/2023), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 41 (tháng 11/2022) và lần thứ 43 (tháng 9/2023). Ngày 26/6/2023, tại Hội nghị WEF Thiên Tân, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam – WEF giai đoạn 2023-2026 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab, là nền tảng quan trọng thúc đẩy hợp tác hai bên trong giai đoạn mới. MOU tập trung vào hợp tác trong 6 lĩnh vực gồm: Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực thực phẩm; Phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh; Cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng 0; Thúc đẩy các hành động về nhựa, bao gồm Chương trình hành động đối tác toàn cầu về nhựa (GPAP); Tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo; Hợp tác chuyển đổi số và thúc đẩy thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR). Việt Nam và WEF cũng đã phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị quan trọng: Đối thoại Chiến lược quốc gia (CSD) giữa Việt Nam và WEF lần thứ nhất (ngày 29/10/2021) được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo”. Đối thoại được nhận định là đối thoại chiến lược quốc gia thành công nhất mà WEF phối hợp với một quốc gia tổ chức, cả về cấp tham dự, nội dung, thời điểm và công tác tổ chức. Tại Hội nghị WEF Thiên Tân 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quốc gia lần thứ 2 (26/6/2023) với chủ đề “Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước”. Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội từ ngày 11-13/9/2018, Hội nghị WEF – Mekong lần đầu tiên ngày 25/10/2016 tại Hà Nội và Hội nghị WEF Đông Á từ 6-7/6/2010 tại Tp. Hồ Chí Minh. |