Theo WHO, trẻ em và thanh niên chiếm gần 80% số ca nhiễm bệnh và hơn 70 người đã tử vong vì căn bệnh này. Bệnh bạch hầu, lần đầu tiên được báo cáo tại Yemen vào tháng 10/2017, là căn bệnh truyền nhiễm và có thể gây tử vong. Bệnh chủ yếu lây nhiễm qua đường hô hấp. Chiến dịch tiêm phòng vaccine cho 2,7 triệu trẻ em Yemen đã được hoàn thành tại 11 tỉnh của nước này.
Trẻ em là đối tượng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình bất ổn ở Yemen. (Nguồn: AFP) |
Chiến tranh và xung đột kéo dài 3 năm qua tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người, khiến hàng chục nghìn người bị thương, đẩy hơn 2 triệu người vào cảnh tha hương và phá hủy nhiều hạ tầng, bao gồm hệ thống y tế. Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), hơn 22 triệu trong tổng số 25 triệu dân của Yemen đang cần hỗ trợ nhân đạo, trong đó có 11,3 triệu người cần cứu trợ khẩn cấp.
Hạ tầng y tế bị hủy hoại do chiến tranh cùng với các điều kiện sinh hoạt yếu kém đang đẩy người dân Yemen vào tình cảnh hết sức khó khăn. Xung đột cũng gây nên đại dịch tả với hơn 1 triệu người mắc bệnh và khoảng 2.000 thiệt mạng vì căn bệnh này.
WHO cảnh báo Yemen có thể đối mặt với nguy cơ bùng phát trở lại của dịch tả. Phát biểu tại một hội nghị mới đây ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, Phó Tổng giám đốc WHO, ông Peter Salama cho biết số ca nhiễm bệnh tả tại Yemen đã giảm trong vòng 20 tuần qua, sau khi đạt đỉnh điểm khoảng 1 triệu ca nhiễm, song cảnh báo rằng dịch bệnh có thể bùng phát trở lại vào mùa mưa trong tháng Tư tới.