Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 3 phụ nữ trên thế giới thì có 1 người phải đối mặt với bạo hành về thân thể hoặc tình dục. (Nguồn: Twitter) |
Nghiên cứu cho thấy, số phụ nữ phải đối mặt với bạo lực - khoảng 736 triệu trên toàn thế giới - hầu như không thay đổi trong thập kỷ qua. Theo WHO, khoảng 25% phụ nữ trẻ từ 15 đến 24 tuổi từng là nạn nhân của bạn trai hoặc chồng.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: “Bạo lực đối với phụ nữ là vấn nạn ở mọi quốc gia và nền văn hóa, để lại những vết sẹo khó lành đối với hàng triệu phụ nữ và gia đình của họ. Vấn nạn này càng trở nên trầm trọng trong thời gian xảy ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19”.
"Không giống như Covid-19 có thể chống đỡ bằng vaccine, bạo lực đối với phụ nữ chỉ có thể ngăn chặn bằng những nỗ lực mạnh mẽ và bền vững từ các chính phủ, cộng đồng và cá nhân, theo đó thay đổi thái độ có hại, cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội và dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau", ông Ghebreyesus nói.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ năm 2000 đến năm 2018 cũng chỉ ra rằng, bạo lực đối với phụ nữ ngày càng lan rộng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Đáng chú ý, có tới 37% phụ nữ sống ở các quốc gia nghèo nhất trên thế giới đã phải đối mặt với bạo lực từ chính chồng hoặc bạn trai. Thậm chí, tại một số quốc gia, có tới 50% phụ nữ phải đối mặt với tình trạng bạo lực.
Trong nghiên cứu, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ thấp nhất được ghi nhận ở châu Âu và Trung Á. Theo WHO, bạo lực từ bạn tình là “hình thức bạo lực phổ biến nhất trên toàn cầu”, để lại vết thương tâm lý cho ít nhất 641 triệu phụ nữ.
Các chuyên gia nhận thấy, đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ trên khắp thế giới do tình trạng đóng cửa và giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ cũng như nguồn lực cho nạn nhân.